Lo bùng phát dịch dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế hỏa tốc chỉ đạo

Nam Phương

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội đầu năm. Trong đó lưu ý không ngăn sống cấm chợ người dân về quê dịp Tết.

Theo đó, dịch Covid-19 diễn biến dịch phức tạp, cộng thêm sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và công văn của Bộ Y tế. Trong đó lưu ý không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại TP lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Lo bùng phát dịch dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế hỏa tốc chỉ đạo - 1

Theo Bộ Y tế, sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: X.S).

Sở Y tế các tỉnh thành cần xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 để tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.

Đồng thời, tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông-xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm nhất tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong đó, đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó cũng cần tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sở Y tế cũng cần tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bộ cũng lưu ý các địa phương tăng cường, giám sát điều tra phát hiện sớm ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch tránh lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người. 

Người dân cần lưu ý tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là 5K ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19, thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân…

Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương cũng cần triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em tại trường học, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ các hoạt động để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trong thời gian tới đảm bảo an toàn.

Các tỉnh, thành cũng được yêu cầu phải chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung kịp thời kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm