Liệu đã đến lúc Việt Nam xem Covid-19 là bệnh thông thường?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trước thực tế tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 tại Việt Nam cao, tỷ lệ tử vong được kiểm soát ở mức thấp, "Đến lúc xem Covid-19 là bệnh thông thường?" trở thành vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường.

Liệu đã đến lúc Việt Nam xem Covid-19 là bệnh thông thường? - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Theo ông, thông thường với các bệnh truyền nhiễm, để có thể đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…

Trên thực tế hiện nay nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng Covid-19 ở mức nhất định chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

"Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường", PGS Phu khẳng định.

PGS Phu cho hay, việc các quốc gia lựa chọn biện pháp ứng phó với Covid-19 không chỉ phụ thuộc vào vấn đề y tế mà còn có nhiều yếu tố khác như kinh tế, an sinh, xã hội.

Liệu đã đến lúc Việt Nam xem Covid-19 là bệnh thông thường? - 2

Chúng ta đang trong lộ trình "nới lỏng" dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro, y tế chỉ là một phần trong đó. Một số quốc gia có thể vì áp lực kinh tế nên tiến hành "nới lỏng" và mở cửa. Tuy nhiên, các quốc gia khác đặt vấn đề phòng chống dịch bệnh lên cao hơn thì vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ", PGS Phu phân tích.

Tại Việt Nam đã có sự thay đổi lớn từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng Covid-19". Do đó, có thể thấy trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trong lộ trình "nới lỏng" dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế.

Cũng theo chuyên gia này, đến thời điểm Covid-19 không còn nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 được khống chế việc tác động ở ngưỡng tương tự các bệnh truyền nhiễm khác, có thể cân nhắc xem nó như bệnh truyền nhiễm thông thường.

Lúc này, chúng ta có thể thay đổi các giải pháp trong Chiến lược "Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch và điều trị hiệu quả". Ví dụ như có thể không tiến hành các biện pháp xét nghiệm giám sát tất cả các trường hợp nghi nhiễm như hiện nay. Thay vào đó, chỉ giám sát trọng điểm hoặc xét nghiệm ca bệnh phục vụ cho điều trị, không thực hiện cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt là áp dụng cách phong tỏa như hiện nay…

Omicron vẫn đặt ra nhiều thách thức

Đồng quan điểm với PGS Phu, BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để xem Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm thông thường.

Chuyên gia này phân tích: "Việc biến thể Omicron đang lây lan mạnh trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam là một vấn đề đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế".

Liệu đã đến lúc Việt Nam xem Covid-19 là bệnh thông thường? - 3

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng vẫn ở mức cao trong thời gian vừa qua (Ảnh minh họa: Minh Nhân).

BS Phúc chỉ ra 3 vấn đề cần thận trọng:

- Thứ nhất, Omicron có khả năng lây lan rất mạnh.

- Thứ hai, Omicron có thể lây cho cả những trường hợp đã tiêm vaccine Covid-19.

- Thứ ba, Omicron có thể tái nhiễm với những bệnh nhân đã từng mắc các biến thể khác.

Những yếu tố kể trên sẽ khiến một lượng lớn bệnh nhân bị lây nhiễm Omicron. Khi lượng bệnh nhân lớn như vậy, đương nhiên sẽ khiến bệnh nhân nặng gia tăng, có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.

"Do đó, trong khoảng thời gian này, khi Omicron đã lây nhiễm cộng đồng và xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng vẫn chưa thể xem Covid-19 là bệnh lý truyền nhiễm thông thường", BS Phúc nhấn mạnh.

Theo BS Phúc, vấn đề đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần chuẩn bị đủ các phương tiện, nhân lực y tế để đáp ứng với làn sóng dịch mới do Omicron. Theo chuyên gia này, làn sóng mới có thể xảy ra vào giai đoạn tháng 4 - 5.

Cũng theo BS Phúc, sau khi xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường, cách ly tại cộng đồng không cần thiết, nhưng khi F0 đến bệnh viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm, để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân thông thường. Bởi đây vốn là đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao.

Tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ khi xem Covid-19 là bệnh thông thường

Theo BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM, chúng ta có thể sớm xem Covid-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường.

Theo ông, với tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 lớn như hiện nay, việc "đếm ca", cách ly không còn nhiều ý nghĩa.

Liệu đã đến lúc Việt Nam xem Covid-19 là bệnh thông thường? - 4

Tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ khi xem Covid-19 là bệnh thông thường.

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là cần điều tra, tiêm vét những người vẫn chưa được tiêm phòng, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ, cố gắng tiêm phủ mũi 3.

"Khi xem Covid-19 là bệnh thông thường không có nghĩa là bỏ luôn mà vẫn cần tiêm phủ vaccine và đặc biệt là tập trung bảo vệ những người có nguy cơ diễn biến nặng cao, từ đó giảm tỷ lệ tử vong", BS Khanh phân tích.