Liên tục ngộ độc vì "đông trùng hạ thảo" trên xác ve: Lầm tưởng chết người

Biên Thùy

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, việc cho rằng nấm mọc trên xác ve sầu là "đông trùng hạ thảo" bổ dưỡng có thể khiến người ăn ngộ độc nặng nề, thậm chí mất mạng.

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận các trường hợp ngộ độc nặng, thậm chí lâm vào nguy kịch sau khi ăn xác nhộng ve sầu và côn trùng không rõ loại.

Lâm nạn vì "đông trùng hạ thảo" trên xác ve sầu

Vào cuối tháng 5, một người đàn ông 34 tuổi, quê Bình Thuận đi làm vườn đã đào thấy xác nhộng ve sầu cùng với hình thù cây nấm nên nghĩ là "đông trùng hạ thảo". Sau khi ăn khoảng 12-14 xác ve, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, nôn ói rất nhiều.

Người đàn ông được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Tại đây, bệnh nhân đã trong tình trạng bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói, nhịp tim bị chậm, nghi ngờ do tác dụng của nấm.

Vì không có thuốc giải, các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ những triệu chứng bệnh nhân mắc phải. Sau thời gian chăm sóc tích cực, nam bệnh nhân đã tiếp xúc được và tự thở, sức cơ tứ chi cải thiện.

Liên tục ngộ độc vì đông trùng hạ thảo trên xác ve: Lầm tưởng chết người - 1

Bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn nấm mọc trên xác ve sầu, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: BV).

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 27/5 sau khi ăn nấm lạ hái từ trên núi xuống, 4 người dân đã đau bụng dữ dội, nôn ói, liên tục đi ngoài. Tại bệnh viện, họ được các bác sĩ xác định bị ngộ độc do ăn nấm.

Đến đầu tháng 6, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 6 bệnh nhân ngụ huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) ngộ độc vì ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu. Trong đó, 3 người nhập viện khi đã lơ mơ, rung giật cơ và nhãn cầu, tay chân yếu.

Theo lời kể của bệnh nhân, gần đây nấm mọc từ xác nhộng ve sầu đang được ưa chuộng. Họ cho rằng nấm này giống như đông trùng hạ thảo, là thức ăn bổ dưỡng nên đổ xô đi hái để ăn và bán. Sau khi ăn, nhiều người có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, phải nhập viện cấp cứu.

Còn ở khu vực phía Bắc, ba bệnh nhân ở Lạng Sơn sau khi ăn 4-5 con côn trùng không rõ loại đã bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu. Tại bệnh viện, qua khai thác bệnh sử và nhận dạng côn trùng, bác sĩ xác định, các bệnh nhân đã ăn phải sâu ban miêu (một loại bọ cánh cứng mang độc tố cantharidin).

3 bệnh nhân sau đó diễn tiến suy đa tạng, phải lọc máu liên tục, tiên lượng rất nặng. Đáng chú ý, hiện nay trên thế giới chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, nên hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Liên tục ngộ độc vì đông trùng hạ thảo trên xác ve: Lầm tưởng chết người - 2

Sâu ban miêu được người nhà mang đến bệnh viện (Ảnh: BV).

Ngộ độc nấm trên xác ve không có thuốc giải

TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trứng của ve sầu đẻ trong đất sau một thời gian sẽ phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu).

Nhộng ve sầu có thể nằm bên cạnh các bào tử nấm, bị nấm tấn công và sống ký sinh. Nấm sẽ thay thế các mô của vật chủ, đồng thời hút chất dinh dưỡng khiến vật chủ chết đi và phát triển lớn lên bên ngoài cơ thể vật chủ. Chính vì vậy, chúng có tên gọi là đông trùng hạ thảo.

Tuy nhiên, tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ là nấm có lợi cho sức khỏe con người hay nấm độc, đông trùng hạ thảo có thể là thức ăn bổ dưỡng (bài thuốc Đông y) hoặc gây độc cho con người.

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ không thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân, nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử khai thác được, cũng như triệu chứng ngộ độc. Bác sĩ tái nhấn mạnh, ngộ độc nấm sau khi ăn xác nhộng ve sầu không có thuốc giải đặc hiệu.

Liên tục ngộ độc vì đông trùng hạ thảo trên xác ve: Lầm tưởng chết người - 3

Bác sĩ cảnh báo, người dân khi gặp nấm mọc trên xác nhộng ve sầu, chưa xác định có phải "đông trùng hạ thảo" hay không thì không nên ăn (Ảnh: BV).

Các chuyên gia cho biết, những ấu trùng ve sầu bị nấm ký sinh, trước khi đến giai đoạn nấm phát triển rõ cũng đã có hình dáng khác thường, như đầu nhỏ, cuối đuôi hơi phình ra.

Người dân khi ăn phải, tùy vào số lượng và độc tố của nấm mà mức độ ngộ độc sẽ khác nhau, từ đau bụng, nôn, ói, co giật đến hôn mê sâu, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo, người dân khi gặp xác nhộng ve sầu hoặc các loại nấm lạ, chưa xác định có phải "đông trùng hạ thảo" hay không thì không nên ăn. Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, tham vấn ý kiến từ chuyên gia.

Riêng về thói quen ăn côn trùng "lạ", các bác sĩ khuyến cáo, côn trùng có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc.

Do đó, để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể ăn được (ví dụ như nhộng tằm), người dân tuyệt đối không được sử dụng các loại côn trùng, sâu bọ làm thực phẩm hoặc làm thuốc, để tránh các trường đáng tiếc xảy ra.