Liên tiếp phản ứng nặng do Quinvaxem: Không thể cứ có tai biến là thay vắc xin!
(Dân trí) - Chỉ trong 7 ngày (20-26/10) đã có 2 ca tử vong sau tiêm Quinvaxem. Điều này đã làm dấy lên băn khoăn, nghi ngại của người dân về tính an toàn của vắc xin này. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã trao đổi với Dân trí về vấn đề này.
Thưa ông, liên tiếp trong hai tuần qua đã có 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đến nay, Việt Nam ghi nhận bao nhiêu ca phản ứng sau tiêm vắc xin này?
Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem được báo cáo, trong đó 8 ca tử vong. Khi Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm này, có 7 trường hợp là trùng hợp ngẫu nhiên, một trường hợp sốc phản vệ.
Ông nhận định như thế nào về mức độ phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem, khi mà có tới 8 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin này từ đầu năm đến nay?
Phải khẳng định bất kỳ một vắc xin nào cũng có tỷ lệ nhất định phản ứng sau tiêm, trong đó kể cả dẫn đến tử vong. Ngay như vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) và vắc xin có thành phần ho gà vô bào, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định, tỷ lệ phản ứng nhẹ của vắc xin vô bào là thấp hơn, còn phản ứng nặng và tử vong là tương đương giữa hai loại vắc xin.
Cũng cần phải xác định, tử vong sau tiêm ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân. Bởi tại nước ta, mỗi ngày có 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân, không liên quan đến tiêm vắc xin.
Vì thế, tử vong sau tiêm vắc xin có thể do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Nguyên nhân thứ hai có thể do vắc xin gây nên, thứ ba là có thể do thực hành tiêm chủng và thứ tư là do chính cơ địa của cháu bé. Cùng lô vắc xin, cùng loại vắc xin tiêm 10 cháu khác không sao, một cháu bị.
Vắc xin cũng như thuốc kháng sinh có những rủi ro nhất định. Nếu tỉ lệ phản ứng đó nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất, nằm trong tỷ lệ cho phép thì vẫn phải tiến hành tiêm vì vắc xin bảo vệ cho cả quần thể lớn, cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tại Việt Nam, phản ứng nặng sau tiêm chủng Quinvaxem ở mức độ nào, thưa ông? Các phản ứng sau tiêm có gặp ở các vắc xin khác hay chỉ gặp ở Quinvaxem?
Tại Việt Nam, tỉ lệ phản ứng sau tiêm Quinvaxem là 4,5/1 triệu liều sử dụng, trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO là 20 ca phản ứng/1 triệu liều sử dụng. Như vậy, rõ ràng mức độ phản ứng thấp hơn khuyến cáo.
Phản ứng nặng của Quinvaxem cao hơn các vắc xin khác như viêm gan B, vắc xin ngừa lao. Tuy nhiên, vì tiêm Quinvaxem là 3 mũi/1 trẻ nên tần suất gặp sẽ cao hơn.
Còn căn cứ trên mục đích bảo vệ cho cả cộng đồng, nếu tỉ lệ tử vong nằm trong khuyến cáo cho phép của WHO thì vẫn phải tiêm chủng vì nếu không dịch bệnh bùng phát, trẻ sẽ tử vong.
Có tạm dừng sử dụng vắc xin?
Trước hai ca phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem liên tiếp trong hai tuần qua, Bộ Y tế có tính đến chuyện tạm ngừng sử dụng Quinvaxem để điều tra?
Trước đó, năm 2013, vắc xin này cũng tạm dừng sử dụng một lần và không có gì bất thường bởi đây là thực hành thông thường trong tiêm chủng. Tuy nhiên cả chuyên gia Việt Nam, thế giới, phòng xét nghiệm độc lập trên thế giới không tìm thấy những bất thường của vắc xin Quinvaxem. Trên thế giới, tỷ lệ phản ứng nặng là tương đương.
Như tôi đã nói, 8 ca tử vong thì đến 7 ca do trùng hợp ngẫu nhiên, 1 do sốc phản vệ. Nếu cứ gặp ca phản ứng lại ngừng vắc xin thì sẽ rất nhiều trẻ không được bảo vệ khỏi bệnh tật. Vì thế, nếu xảy ra phản ứng liên tiếp thì sẽ ngừng còn 1 trẻ tử vong thì phải tìm nguyên nhân do trùng lặp, cơ địa, thực hành tiêm chủng hay do vắc xin.
Vì thế, khi có ca phản ứng xảy ra, việc tìm nguyên nhân sẽ được ưu tiên hàng đầu để giải quyết. Nếu đúng là do vắc xin sẽ ngừng sử dụng ngay. Hiện các lô vắc xin liên quan đã được gửi đến Trung tâm kiểm định vắc xin và đề nghị kiểm định ưu tiên để khẩn trương có kết quả. Tới đây Bộ Y tế sẽ thành lập một hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của y tế đánh giá lại các kết luận của hội đồng tuyến tỉnh sau đó sẽ đưa ra quyết định.
Tỉ lệ phản ứng nặng của Quinvaxe thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất, của WHO nhưng quan điểm của Bộ Y tế là tiêm chủng càng ít phản ứng nặng, không có phản ứng nặng càng tốt. Hiện Bộ Y tế đang xét xét thận trọng các nguyên nhân và nếu do vắc xin sẽ ngừng ngay.
Thưa ông, mỗi khi xảy ra các ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem, dư luận lại đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam không lựa chọn vắc xin vô bào như vắc xin dịch vụ đang sử dụng để tiêm cho trẻ. Câu chuyện người dân xếp hàng dài chờ đợi cơ hội tiêm vắc xin dịch vụ cũng cho thấy, người dân hoài nghi về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem. Ông có thể giải thích rõ vấn đề này?
Vắc-xin Quinvaxem với thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau thậm chí tím tái nhiều hơn vắc-xin vô bào.
Tại Việt Nam, lượng vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 được sử dụng chiếm một phần rất nhỏ so với vắc xin Quinvaxem trong chương trình TCMR nên chưa ghi nhận có phản ứng nặng. Tuy nhiên WHO khẳng định, phản ứng nặng do hai vắc xin này là tương đương nhau.
Hơn nữa, cơ quan này cũng đánh giá vắc xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn vắc xin vô bào.
Trước thực tế ghi nhận liên tiếp các ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem, Bộ Y tế có tính đến tìm nguồn vắc xin khác thay thế không, thưa ông?
Quan điểm của Bộ Y tế lúc nào cũng phải chọn vắc xin tốt nhất cho trẻ. Qua nhiều lần họp Hội đồng vắc xin, chuyên gia vẫn kết luận vắc xin Quinvaxem là an toàn và hiệu quả. Đặt vấn đề xem xét lựa chọn toàn tế bào hay vô bào, chúng ta phải tham khảo Tổ chức quốc tế, bàn trên nhiều khía cạnh.
Không thể nghĩ rằng, cứ có tai biến là thay, mà cần phải có quy trình và có nguồn vắc-xin. Bộ Y tế xem xét trên tinh thần độc lập khách quan minh bạch và mong muốn trẻ em được sử dụng vắc xin tốt nhất. Nhưng liệu rằng khi thay thế vắc xin mới sẽ chấm dứt được phản ứng nặng sau tiêm chủng?
Chiến lược thay vắc xin (nếu có) cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở khuyến cáo của WHO và các nhà khoa học Việt Nam. Nếu nhà nước quyết định cho thay thế vắc xin mới thì nhà nước sẽ chi trả kinh phí. Tuy nhiên, như tôi nói, vấn đề lựa chọn vắc xin, an toàn của trẻ, đảm bảo miễn dịch là ưu tiên số 1. Vấn đề số 2 mới là vì tài chính. Hiện nay, sau gần 5 năm sử dụng, Việt Nam đã tiêm gần 25 triệu liều Quinvaxem và phản ứng nặng hiện vẫn thấp hơn khuyến cáo của WHO.
Vắc xin Quinvaxem tiêm cho 2 trẻ ở Hải Dương và Nghệ An là cùng lô
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, vắc xin tiêm cho hai trường hợp tử vong mới đây tại Nghệ An và Hải Dương được xác định là cùng một lô vắc xin.
Hiện vắc xin liên quan đã được gửi đến Trung tâm kiểm định vắc xin và đề nghị kiểm định ưu tiên để khẩn trương có kết quả.
Tới đây Bộ Y tế sẽ thành lập một hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của y tế đánh giá lại các kết luận của hội đồng tuyến tỉnh sau đó sẽ đưa ra quyết định.
Hồng Hải (thực hiện)