Việt Nam tính đến phương án thay thế vắc xin Quinvaxem?

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, trong năm 2015 có 16 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem và tỉ lệ này vẫn thấp hơn khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đến nay, WHO vẫn khuyến cáo vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào hiệu quả miễn dịch hơn thành phần vô bào, tỷ lệ phản ứng nặng giữa hai loại vắc xin này là tương đương.

 

Việt Nam đã sử dụng 25 triệu liều vắc xin Quinvaxem.
Việt Nam đã sử dụng 25 triệu liều vắc xin Quinvaxem.

Những nghi ngại sau liên tiếp các ca tử vong sau tiêm Quinvaxem

Theo thông tin từ TT Y tế dự phòng Hải Dương, vụ việc bé gái tử vong sau tiêm vắc xin vào sáng 27/10 có thể do suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn. Trước đó, bé trai 3 tháng tuổi (Quế Phong, Nghệ An) đã tử vong sau tiêm Quinvaxem mũi 2 chỉ mấy phút, được xác định do sốc phản vệ.

Theo một chuyên gia độc lập, ông thống kê các ca tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem từ năm 2013 đến nay đăng tải trên các phương tiện truyền thông là 23 ca. Vì thế, chuyên gia này cũng đặt vấn đề, mong muốn sẽ có lộ trình thay thế vắc xin Quinvaxem bằng một loại vắc xin khác an toàn hơn.

Trước thực trạng thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những ca tử vong sau tiêm Quinvaxem, dư luận lại một lần nữa nghi ngại về tính an toàn của vắc xin này. Trước đó, tháng 4/2013 Việt Nam cũng quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc, sau khi xảy ra liên tiếp các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Từ khi Việt Nam bắt đầu sử dụng Quinvaxem năm 2010 đến tháng 4/2013, có 43 trường hợp phản ứng sau tiêm, trong đó có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin.

Sau khi tạm dừng vắc xin, Bộ Y tế đã cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rà soát từng ca phản ứng sau tiêm. Theo đó, trong 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã qua khỏi. 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận.

Theo tính toán của các chuyên gia tại thời điểm đó, với 9 ca phản ứng có liên quan vắc xin tính tỉ lệ trên 14 triệu liều sử dụng thì đó là tỉ lệ rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với phản ứng có thể xảy ra (ước tính 20 lần/triệu).

Sau khi được kiểm định độc lập tại Phòng kiểm định quốc tế, WHO khẳng định vắc xin Quinvaxem là an toàn và khuyến cáo Việt Nam sử dụng lại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tháng 6/2013, Bộ Y tế đề xuất cho phép sử dụng lại Quinvaxem và đến tháng 7/2013 Chính phủ cho phép tái sử dụng vắc xin này.

Đến nay, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, các ca tử vong sau tiêm Quinvaxem lại liên tiếp xảy. Dù câu trả lời các ca tử vong này phần lớn là bệnh trùng lặp, sốc phản vệ, không liên quan đến chất lượng vắc xin nhưng vẫn khiến dư luận lo lắng.

Đã tính đến phương án thay thế

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết: vắc xin Quinvaxem đã được kiểm nghiệm về chất lượng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từng lô vắc xin trước khi đưa vào sử dụng đều được kiểm định lại.

Thực tế từ tháng 6/2010 đến nay, Việt Nam cũng đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn. Về những phản ứng sau tiêm vắc xin này, năm 2013 WHO cũng đã có đánh giá về 9 ca phản ứng sau tiêm, cho thấy tỉ lệ phản ứng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo.

Theo Bộ Y tế, trước đó, các tranh luận về thay thế giữa vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào (vắc xin Quinvaxem) và vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà vô bào (vắc xin dịch vụ hiện nay) cũng đã được đặt ra nhưng còn rất nhiều vấn đề tranh luận. Bởi WHO vẫn khuyến cáo vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào hiệu quả miễn dịch hơn thành phần vô bào.

Hiện tại Việt Nam, câu chuyện tính đến nguồn thay thế vắc xin Quinvaxem vẫn đang tiếp tục nhưng cũng chưa thể trong một sớm một chiều. 

Theo WHO, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng/1 triệu liều vắc-xin sử dụng đối với từng loại như sau: vắc-xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là 20 trường hợp/1 triệu liều sử dụng, Bại liệt là 1-3 trường hợp/1triệu liều, Viêm gan B từ 1-2 trường hợp/1 triệu liều, Sởi là 1-50 trường hợp/1 triệu liều, Uốn ván từ 1- 6 trường hợp/1 triệu liều.

Một số nước trên thế giới khi sử dụng Quinvaxem đã có báo cáo phản ứng nặng khi tiêm như Srilanka, Butan, Pakistan, Brasil, Philippine... trong hơn 90 nước sử dụng có Srilanka, Butan đã tạm dừng sử dụng Quinvaxem một thời gian do nghi ngờ xảy ra tai biến khi tiêm, sau đó đã tiếp tục sử dụng lại.

Trước khi nhận tài trợ của GAVI để đưa vắc xin này vào Việt Nam (năm 2010), vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định về chất lượng vào tháng 9 năm 2006 và đã được sử dụng ở hơn 90 nước trên thế giới.

 

Tú Anh