Liên tiếp ghi nhận nhiều người bị vật nhọn đâm xuyên cơ thể nguy kịch

Biên Thùy

(Dân trí) - Các nạn nhân vì những lý do khác nhau mà bị vật nhọn đâm xuyên cổ, lách, mặt... gây mất nhiều máu và tổn thương cơ thể nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đùa giỡn với bạn, bị vật nhọn đâm xuyên tai nguy kịch

Đêm tháng 7, thiếu niên L.T.P. (16 tuổi, quê Long An) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, mạch nhanh, huyết áp khó đo và có vết thương từ vành tai đến thái dương phải chảy máu thành tia đỏ tươi.

Người nhà cho biết, trước đó khi đang đùa giỡn, bệnh nhân bị bạn cầm vật nhọn vô tình trượt tay đâm vào mặt.

Liên tiếp ghi nhận nhiều người bị vật nhọn đâm xuyên cơ thể nguy kịch - 1

Thiếu niên bị vật nhọn đâm xuyên tai, nguy hiểm tính mạng (Ảnh: BV).

Nhận định tình trạng bệnh nhân bị mất máu rất nặng, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu, băng garo cầm máu vết thương, bù dịch, truyền giảm đau, đồng thời báo cáo lãnh đạo và liên hệ các khoa phòng liên quan.

Bệnh nhi được ghi nhận có vết thương phức tạp dài 15 cm ở vùng mặt thái dương phải, xuyên qua tuyến mang tai, miệng nhổ ra máu đỏ tươi, nghi ngờ tổn thương động mạch cảnh gây mất nhiều máu. Ekip điều trị đã giải thích nguy cơ với người nhà, sau đó chỉ định chuyển mổ khẩn để cứu bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thái Sơn, người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân chia sẻ, vết thương của P. rách nham nhở, đi qua vùng mặt, nơi có nhiều nhánh mạch máu quan trọng của động mạch cảnh ngoài. Đáy vết thương của bệnh nhân lại rất sâu, các mạch máu bị đứt phun thành tia nên việc thám sát vô cùng khó khăn.

Liên tiếp ghi nhận nhiều người bị vật nhọn đâm xuyên cơ thể nguy kịch - 2

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch sau ca mổ phức tạp (Ảnh: BV).

Sau gần 3 giờ nỗ lực thám sát vết thương, các mạch máu được ekip điều trị cột thắt cầm máu, đồng thời khâu phục hồi tuyến mang tai phải, đặt một ống dẫn lưu kín. Sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch và xuất viện.

Theo bác sĩ Sơn, với vết thương vùng mặt xuyên qua tuyến mang tai, ngoài vấn đề cầm máu còn phải quan tâm tổn thương dây thần kinh số 7, vì có thể gây liệt mặt. Do đó, trong quá trình phẫu thuật cần phải thật sự cẩn trọng, tỉ mỉ.

Tuyệt đối không được tự ý rút bỏ dị vật

Cũng bị chấn thương nặng gần đây là trường hợp của một nam thanh niên quê Vĩnh Long, nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau nhiều do bị một đối tượng dùng vật sắc nhọn (nghi là kéo) đâm xuyên thấu qua vùng vai, mạn sườn và cẳng tay trái trong lúc mâu thuẫn.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ cho bệnh nhân truyền dịch, bù máu ổn định huyết áp, tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa, hồi sức chống sốc, kiểm soát huyết động ổn định và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết.

Kết quả ghi nhận, bệnh nhân tràn khí máu màng phổi trái lượng nhiều, vết thương lách độ 4 gây đứt cuống lách, có dấu thoát mạch trên ảnh CT.

Liên tiếp ghi nhận nhiều người bị vật nhọn đâm xuyên cơ thể nguy kịch - 3

Vết thương xuyên vùng mạn sườn của bệnh nhân, gây tổn thương lách, tràn khí màng phổi (Ảnh: BV).

Quá trình mổ cấp cứu, toàn bộ ekip của khoa Ngoại tổng quát tiến hành dẫn lưu màng phổi, sau đó mở bụng thám sát và cắt lách cầm máu kết hợp khâu vết thương phần mềm, truyền nhiều máu cho bệnh nhân.

Trong mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị thủng cơ hoành trái, mất 1.000 ml máu, có vết thương vùng thượng đòn trái thấu ngực.

Hậu phẫu, bệnh nhân được chuyển về khoa ICU theo dõi 2 ngày, sau đó chuyển vào khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục điều trị.

Hiện tại, bệnh nhân phục hồi tốt sau mổ, đã rút ống dẫn lưu ổ bụng và màng phổi, xét nghiệm máu trở về bình thường.

Các bác sĩ chia sẻ, lách là cơ quan có vai trò bắt giữ hồng cầu già, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Khi bệnh nhân bị tổn thương như trên, điều quan trọng là phải sơ cứu đúng cách, cố định tốt dị vật trong quá trình di chuyển bệnh nhân để các bác sĩ có thể xử trí tốt hơn. Tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật, vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Trong khi đó, nếu người dân gặp tổn thương các mạch máu lớn vùng đầu, mặt, cổ cũng rất nguy hiểm, có thể gây mất máu và tử vong. Vì vậy, nếu gặp sự cố ở các vị trí này, bệnh nhân cần được nhanh chóng dùng gạc, vải hoặc quần áo quấn chặt lấy vết thương và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Trước đó vào rạng sáng 15/7, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cũng tiếp nhận một trường hợp bị bạn nhậu đâm xuyên cổ sau mâu thuẫn trên bàn nhậu. Khi vào viện, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, mạch và huyết áp không đo được, đồng tử không co giãn, đứt động mạch cảnh, gần như cận kề cái chết.

Các bác sĩ đã sử dụng đường mổ "biến thể" đi ngay phía trước cổ (thay vì mổ phía sau như thông thường) để tiếp cận và kiểm soát động mạch cảnh nhanh, bảo vệ não tối đa cho bệnh nhân. Sau ca mổ xuyên đêm kéo dài 5 giờ và khoảng 1 tuần hồi sức, bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục.