Cứu người đàn ông bị bạn nhậu dùng dao đâm xuyên cổ, cận kề cửa tử
(Dân trí) - Ngày 24/7, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa cứu sống một trường hợp bị bạn nhậu đâm xuyên cổ rất nguy kịch, cận kề cửa tử.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cho biết, bệnh nhân là ông T.Đ.L. (39 tuổi), nhập viện trong tình huống ẩu đả giữa hai người. Theo thông tin ban đầu, sau khi uống bia rượu cùng nhau tại một quán nhậu ở khu vực ngã tư An Sương (quận 12), 2 người xảy ra mâu thuẫn.
Lúc này, người bạn bỏ ra ngoài đi tìm dao và quay lại đâm xuyên cổ bệnh nhân. Con dao được đối tượng rút ra ngay. Sau khi đi được vài bước, bệnh nhân ngã xuống bất tỉnh, được công an đưa vào tuyến cơ sở sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất lúc nửa đêm (45 phút sau khi sự việc xảy ra).
Thời điểm này, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, mạch và huyết áp không đo được, đồng tử không co giãn, gần như cận kề cái chết. Lập tức, ekip cấp cứu kích hoạt quy trình báo động đỏ, phối hợp đa chuyên khoa để đưa bệnh nhân vào phòng mổ khẩn.
Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được xác định bị đứt mạch cảnh do vết thương đi từ sau cổ xuyên lên phía trước, gây biến dạng cổ, tụ máu, chèn ép tim. Ảnh chụp CT biểu hiện rõ tình trạng thiếu máu lên não. Ngoài ra, bệnh nhân còn tổn thương tuyến giáp và khí quản...
Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài 5 tiếng xuyên đêm (từ 2h đến 7h). Sau mổ, Bệnh nhân phục hồi tri giác. Hậu phẫu 5 ngày, người đàn ông gần như phục hồi sức khỏe hoàn toàn, có thể đi lại, trả lời được các câu hỏi của bác sĩ và qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Nhân, những vết đâm vào vùng cổ (thường xuất phát từ nguyên nhân do mâu thuẫn tình cảm) có tỷ lệ tử vong rất cao, nguy hiểm tương đương với vết thương thấu tim. Nhưng tim có thành dày và chỉ chiếm một phần của lồng ngực, trong khi cổ có nhiều mạch máu quan trọng, cũng như động mạch cổ chỉ cách da 2-3cm, nên cực kỳ nguy hiểm.
Có những trường hợp, chỉ cần vài giây là bệnh nhân sốc mất máu, tổn thương não và tử vong chóng vánh. Với bệnh nhân trên, khi chúng tôi tiếp nhận đã đặt 1 chân vào cửa tử, hôn mê, đồng tử co và mất phản xạ. Đây là dấu hiệu để đánh giá tổn thương não.
Trong trường hợp này, kỹ thuật mổ và kiểm soát động mạch cảnh rất tinh vi. Cụ thể, bệnh nhân được xử lý bằng đường mổ "biến thể" đi ngay phía trước (thay vì mổ phía sau như thông thường) để tiếp cận ngay và kiểm soát động mạch cảnh, bảo vệ não tối đa. Đây là trường hợp rất hy hữu", bác sĩ Nhân nói.
Thống kê cho thấy, 2 năm trở lại đây, Bệnh viện Thống Nhất thường tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nguy kịch vì ẩu đả và các vấn đề xã hội từ tuyến dưới chuyển đến, số lượng ngày càng tăng.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi xảy ra các trường hợp tương tự, bệnh nhân cần được sơ cứu bằng cách băng ép cầm máu thật nhanh, sau đó chuyển lên bệnh viện có chuyên khoa sâu để kịp thời xử trí.