Liên tiếp có trẻ đuối nước thương tâm: Cảnh báo những cách xử trí sai lầm

Biên Thùy

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, có những cách xử trí trẻ đuối nước sai lầm phụ huynh cần phải tránh vì làm mất thời gian vàng cứu bệnh nhi thoát khỏi tình trạng thiếu oxy não, gây tử vong hoặc di chứng nặng nề.

Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm

Mới đây, dư luận không khỏi xót xa trước thông tin hai cháu bé 4 tuổi và 7 tuổi đuối nước trong bể bơi một căn hộ, khi đi du lịch cùng cha mẹ tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, thời điểm xảy ra sự việc ngày 3/6, bố mẹ các bé không phát hiện 2 con rơi xuống bể bơi. Khi được đưa vào viện cấp cứu, cháu bé 7 tuổi đã tử vong do bị tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, viêm phổi nặng sau ngạt nước. Trong khi đó, cháu bé còn lại cũng ngừng tuần hoàn và hô hấp, hiện vẫn đang lọc máu trong tình trạng nguy kịch.

Liên tiếp có trẻ đuối nước thương tâm: Cảnh báo những cách xử trí sai lầm - 1

Bể bơi nơi 2 cháu bé gặp nạn (Ảnh chụp màn hình camera).

Còn tại tỉnh Bình Dương, trong các ngày 18/5 và 4/6 đã xảy ra hai vụ đuối nước khi nhiều trẻ rủ nhau đi tắm sông, hồ thuộc địa phận TP Bến Cát, khiến tổng cộng 4 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có nạn nhân dù đã kêu cứu vì đuối nước nhưng bạn xung quanh tưởng đùa giỡn, không ứng cứu kịp thời.

Các sự việc đau lòng nêu trên thêm lần nữa là hồi chuông cảnh báo những hiểm họa có thể tấn công người dân - đặc biệt là vấn đề đuối nước, ngạt nước - trong mùa hè, thời điểm nhiều trẻ nhỏ được nghỉ học, các gia đình chọn đi du lịch ở những nơi có biển, sông suối...

Những cách sơ cứu đuối nước sai lầm phụ huynh cần tránh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, qua thực tế tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp trẻ ngạt nước - đuối nước, các nhân viên y tế tại đây ghi nhận một số sai lầm trong xử trí trẻ ngạt nước mà phụ huynh cần phải tránh.

Những cách sơ cứu sai này làm mất thời gian vàng cứu trẻ thoát khỏi tình trạng thiếu oxy não, có thể gây tử vong hoặc di chứng nặng nề sau này.

Liên tiếp có trẻ đuối nước thương tâm: Cảnh báo những cách xử trí sai lầm - 2

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân vụ đuối nước ở Bình Dương chiều 4/6 (Ảnh: PC07).

Thứ nhất là việc mất nhiều thời gian để xốc nước. Theo bác sĩ Tiến, động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện, vì lượng nước vào phổi thường rất ít, và sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt, ấn tim và tăng nguy cơ hít sặc cho trẻ.

Thứ hai, nạn nhân ngưng thở, ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc lúc vận chuyển nạn nhân đi bệnh viện. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não, dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế, tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên bờ, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi.

Thứ ba, một số phụ huynh dùng một cái lu để nằm nghiêng và đốt rơm bên trong, rồi đặt trẻ nằm sấp lên lu và lăn qua lại. Việc này không có tác dụng giúp trẻ hết ngạt nước, còn có thể gây bỏng.

Liên tiếp có trẻ đuối nước thương tâm: Cảnh báo những cách xử trí sai lầm - 3

Một trường hợp trẻ đuối nước nặng, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Ảnh: BVCC).

Theo bác sĩ Tiến, việc sơ cứu tại chỗ và đúng kỹ thuật là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn hay di chứng não của nạn nhân. Cần sơ cứu nạn nhân theo các bước sau:

- Khi có trẻ bị ngạt nước, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, hay ném phao hoặc vớt nạn nhân lên (nắm tóc hoặc cổ áo nạn nhân kéo lên bờ, tránh để nạn nhân ôm ghì chặt, dẫn đến cả 2 đều chìm xuống nước).

- Khi lên bờ, đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem còn thở hay không, bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực:

Liên tiếp có trẻ đuối nước thương tâm: Cảnh báo những cách xử trí sai lầm - 4

Cách hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân ngưng thở vì đuối nước (Ảnh minh họa: BV).

Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Kế đến, phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút rồi đánh giá lại khả năng sinh tồn của nạn nhân. Nếu vẫn không khả quan, phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

Nếu nạn nhân còn tự thở, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài (nếu nạn nhân nôn ói). Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm nạn nhân bằng chăn hay một tấm khăn khô. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Để phòng ngạt nước, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không được để trẻ nhỏ một mình, phải đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Kế đến, không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, không để trẻ mắc bệnh động kinh bơi. Khi đến hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ người lớn và luôn để mắt trông chừng trẻ. Nên hướng dẫn trẻ tập bơi, tốt nhất là cùng tắm chung với trẻ.

Các nhân viên cứu hộ có nhiệm vụ theo dõi các trẻ tắm hồ bơi theo đúng quy định, được huấn luyện thành thạo kỹ thuật hồi sức tim phổi, cấp cứu ngưng thở, ngưng tim tại hiện trường.

Ngoài ra, nhà trường cần lưu ý dặn dò học sinh về những nguy cơ có thể xảy đến khi đi bơi hay chèo thuyền vùng sông nước không an toàn trong những dịp nghỉ hè cuối năm.