1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lây nhiễm thứ phát: Xuất hiện từ ngày đầu tiên có dịch

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp, thông tin về trường hợp lây nhiễm thứ phát đầu tiên được công bố. Điều đáng nói là ca lây nhiễm này xuất hiện ngay từ người đầu tiên mắc bệnh và chỉ trong chưa đầy một ngày.

Theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, một trong những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện mắc dịch là một thợ xây tên là Kiên sau khi ăn mắm tôm, thịt chó ở gần hồ Ngọc Khánh vào ngày 23/10. Ngay sau đó, bệnh nhân đã nhập viện tại một bệnh viện tư ở phố Ngọc Khánh và được chẩn đoán là ngộ độc thức ăn. Tại đây, bệnh nhân được truyền 2 lít dịch nhưng vẫn cảm thấy mệt nên đã được chuyển vào bệnh viện Đống Đa để điều trị sau đó tự xin phép về.

 

Sau đó, anh Kiên đã đi từ Hà Nội về đến Nam Định vào lúc tối. Về nhà, anh đã đi ngoài và mẹ anh là người đã dọn chất thải của anh. Và chỉ sau 6 tiếng, mẹ anh đã liên tục bị đi ngoài. Điều đó đã khẳng định đây là ca lây thứ phát. Vậy mà không hiểu vì sao kể từ khi phát dịch là hôm 23/10 cho đến cách đây khoảng 2 hôm vẫn chưa ai công bố thông tin này. Phải chăng Bộ Y tế quên hay sợ dư luận hoang mang?

 

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo, tính đến thời điểm 7h sáng ngày 6/11 đã có tổng số tích luỹ 855 trường hợp ca bệnh mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó 122 trường hợp dương tính, 146 trường hợp mắc mới với 25 trường hợp dương tính.

 

Hiện nay, số ca bệnh ở Hà Nội vẫn tập trung cao nhất với cộng dồn 481 trường hợp trong đó 90 trường hợp dương tính, chiếm 57,6%  tổng số ca bệnh trên toàn quốc. Tiếp đến là Hà Tây 206 trường hợp, Vĩnh Phúc 19, Hải Phòng 20.

 

Riêng tại Hà Nội, các quận tập trung nhiều ca bệnh nhất là Hai Bà Trưng 95 ca, Hoàng  Mai 87, Đống Đa 75, Cầu Giấy 54…

Về một số thông tin trên báo chí cho rằng đã có trường hợp bị tử vong do tiêu chảy ở tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, theo xác nhận của lãnh đạo Bộ Y tế, chưa có bất cứ trường hợp nào bị tử vong do bệnh này cả.

 

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, cụ thể là với trường hợp bệnh nhân Trần Phong Trung, 87 tuổi đã liên tục phải vào viện để điều trị vì nghẽn tắc phổi phế quản. Sáng 3/11, bệnh nhận vào viện Thường tín (Hà Tây) vì căn bệnh này. Đến 0h ngày 4/11, bệnh nhân được chuyển lên Viện Quân y 103 nhưng vẫn tiếp tục khó thở trong suốt thời gian 30 phút. Sau đó, bệnh nhân bị tím tái toàn thân và tử vong. Bệnh nhân được chẩn đoán chết do nghẽn tắc mạch phổi. Lúc nhập viện bệnh nhân cũng bị tiêu chảy nhưng đó là tiêu chảy thông thường.

 

Tại tỉnh Nghệ An, có thông tin về 1 trường hợp bệnh nhân đã tử vong. Theo tin chính thức từ Bộ  Y tế, bệnh nhân này tử vong do xuất huyết đường tiêu hoá chứ không phải do tiêu chảy cấp.

 

Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngày 6/11 cũng cho biết: Có một bệnh nhi 20 tháng tuổi có xét nghiệm dương tính sau khi ăn sam biển do gia đình tự chế biến và hiện cháu đang được điều trị tại bệnh viện Nhi TƯ.

 

Theo đánh giá chung, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp ở 2 tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, ổ dịch và đường lây nhiễm phức tạp hơn. Hiện nay, chưa xác định được nguồn bệnh lây trong nước tại các tỉnh có dịch. Do đó, bên cạnh các thực phẩm đã được cảnh báo, nhân dân phải cảnh giác với các loại thực phẩm chế biến sẵn do vi khuẩn lây lan qua nguồn nước trong chế biến thực phẩm.

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu biểu dương các địa phương đã nghiêm chỉnh thực hiện tốt công điện của Chính phủ trong ngăn chặn dịch, bước đầu ghi nhận sự số gắng của 6 tỉnh đã tạm thời khống chế được dịch bệnh lây lan là Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng. Những tỉnh chưa làm triệt để đề nghị các đoàn đi kiểm tra giám sát ghi rõ để báo cáo Thủ tướng.

 

Hà Tĩnh: Hơn 600 trường hợp nhập viện do bệnh tiêu chảy

 

Tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 23/10 đến nay Hà Tĩnh đã có hơn 600 trường hợp phải nhập viện do bệnh tiêu chảy, trong đó có 83 trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Nguyên nhân bệnh bùng phát là do sau bão số 5 nguồn nước sinh hoạt, rau quả bị nhiễm bùn và một số do sử dụng thực phẩm không an toàn như: mắm tôm, gỏi sống, hải sản sống…

 

Để kiềm chế dịch bệnh tiêu chảy đang bùng phát này Sở Y tế Hà Tĩnh đã tiến hành cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường nhằm phòng ngừa dịch lây lan trên diện rộng.

 

Vân Dung

 

Lan Hương