Lãnh đạo Vụ pháp chế, Bộ Y tế nói gì về dự thảo viện phí?

(Dân trí) - Nhằm cung cấp thêm cho độc giả thông tin quanh dự thảo điều chỉnh viện phí, chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Về Dự thảo điều chỉnh viện phí của Bộ Y tế: Đang ở bước khởi đầu” của ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Khung giá dịch vụ y tế được quy định tại Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30/9/1995 đến nay đã 15 năm chưa được điều chỉnh đã và đang tạo nên sức ép lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng dự thảo điều chỉnh viện phí  và hiện đang tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

                
                       
Lãnh đạo Vụ pháp chế, Bộ Y tế nói gì về dự thảo viện phí? - 1

Ảnh minh họa

Từ định hướng…

 

Nghị quyết Đại hội Đảng X định hướng: “Sửa đổi chế độ viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người bệnh. Nhà nước trợ giúp một phần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua BHYT”; Nghị quyết số 46-NQ-TW và Kết luận số 42/KL-TƯ của Bộ Chính trị ghi: “Xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân”; Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội cũng nêu rõ: “Giao Chính phủ sửa đổi bổ sung các quy định về viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ người bệnh”.

 

Các quan điểm trên đây thể hiện sự chỉ đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước về cơ chế hoạt động của ngành y tế. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhà nước ta không thể bao cấp khám chữa bệnh hết cho người dân mà chỉ có thể lo được cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, đồng bào dân tộc, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng đặc thù.

 

Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009, trong đó quy định người có công với cách mạng được nhà nước mua thẻ BHYT, được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh; Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (14,7 triệu) được nhà nước bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT. Khi khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã  được thanh toán 100% và khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập được thanh toán 95%; Trẻ em dưới 6 tuổi (gần 10 triệu), được quỹ BHYT thanh toán 100%. Đối tượng cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mệnh giá thẻ BHYT của người nghèo. Học sinh, sinh viên được hỗ trợ từ 30-50% BHYT; Từ 01/01/2012, các đối tượng làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 30% BHYT. Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã thống nhất đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi trả hết 5% BHYT cho người nghèo. Phấn đấu Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

 

Sau 01 năm thực hiện Luật BHYT, qua nghiên cứu, cân nhắc, đến nay Bộ Y tế mới đề xuất điều chỉnh mức thu viện phí cho phù hợp.

 

…đến triển khai

 

Theo quy trình, để ban hành Thông tư Liên bộ về điều chỉnh viện phí, trước hết, Bộ Y tế đề xuất các nội dung, nguyên tắc xây dựng khung giá và dự kiến mức thu; Xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH và lấy ý kiến các bệnh viện, các Sở Y tế là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh quyết định mức thu viện phí tại địa phương; Thành lập Hội đồng thẩm định khung giá sửa đổi. Trên cơ sở đó mới hoàn chỉnh dự thảo, trình xin ý kiến của Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó liên bộ Y tế- Tài chính- LĐ-TB&XH mới thống nhất ký ban hành. Hiện nay Dự thảo đang ở bước khởi đầu. Còn phải tiếp tục qua rất nhiều nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng nữa mới được phê duyệt chứ không thể ban hành ngày một ngày hai được.

 

Nhằm bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ. Khoản chi nào không được ngân sách nhà nước cấp thì người bệnh chi trả, với tinh thần cân đối thu chi, không vì lợi nhuận. Bệnh viện không thể hoạt động có chất lượng nếu không có đủ nguồn thu để bù đắp chi phí đầu ra. BHXH là đơn vị trả thay người bệnh các dịch vụ cung ứng. Giá viện phí là cơ sở để người bệnh và cơ quan BHXH thanh toán chi phí cho bệnh viện.

 

Trong dự thảo chỉ dự kiến điều chỉnh giá của 12% số dịch vụ quy định tại Thông tư 14, đã thực hiện 15 năm, quá bất hợp lý. 88% số dịch vụ còn lại vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03 ban hành năm 2006; Số dịch vụ tăng 7-10 lần chỉ chiếm 02% trong tổng số dịch vụ y tế hiện hành.

 

Người bệnh đóng góp đầy đủ các chi phí trực tiếp, không vì lợi nhuận của bệnh viện. Ví dụ như tiền thuốc, tiền mua các vật tư, hóa chất... thì người bệnh đóng đúng theo giá đầu vào, bệnh viện không thu thêm. Trong số 350 dịch vụ dự kiến sửa đổi lần này, có dịch vụ tăng nhiều, có dịch vụ tăng ít; hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí thực tế. Những dịch vụ thực hiện theo phương pháp thủ công trước đây, nay được sử dụng các thiết bị hiện đại, tiên tiến, chất lượng bảo đảm, chính xác hơn nên chi phí tăng lên nhiều lần. Nếu thu với mức giá cũ sẽ không thực hiện được dịch vụ.

 

Liên bộ ban hành khung giá có mức tối thiểu và tối đa. Mức giá thu cụ thể của từng dịch vụ tại các bệnh viện trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, tại các bệnh viện địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

 

Lê Cảnh Nhạc