1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Thực hư" về dự thảo điều chỉnh viện phí

(Dân trí) - Người dân băn khoăn dự thảo điều chỉnh viện phí mà Bộ Y tế đưa ra mức tăng sẽ như thế nào? Tập trung vào những dịch vụ gì? Ảnh hưởng tới nhóm đối tượng nào? Đối tượng nghèo sẽ đồng chi trả ra sao với số tiền “vênh” lên này?

Giải đáp những câu hỏi này, ngày 21/7, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm y tế, vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã có buổi gặp gỡ báo chí, làm rõ hơn nhiều vấn đề liên quan đến dự thảo điều chỉnh giá viện phí.

Viện phí tăng chung từ 7-10 lần?
 
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ pháp chế cho biết, việc điều chỉnh khung giá lần này vẫn theo nguyên tắc thu một phần viện phí, gồm tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện nước, vật tư tiêu hao... Hiện có khoảng hơn 3.000 dịch vụ được áp dụng tại các cơ sở y tế, nhưng mức tăng viện phí không áp dụng với tất cả các dịch vụ này mà chỉ điều chỉnh tăng giá của 350 dịch vụ (chiếm 12% trong tổng số các dịch vụ hiện nay).

Trong số 350 dịch vụ dự kiến điều chỉnh giá này, có 220 dịch vụ ít sử dụng vật tư, hóa chất, điện nước nên mức tăng thấp, tối đa là 2,5 lần, tương đương mức độ trượt giá hiện nay. Chỉ có 70 dịch vụ/3.000 dịch vụ (chiếm khoảng 2%) là tăng từ 7-10 lần. Như vậy, không phải viện phí chung tăng 7-10 lần, mà chỉ có khoảng 2% trong tổng số dịch vụ tăng ở mức này.

Gánh nặng cho người nghèo?
 
"Thực hư" về dự thảo điều chỉnh viện phí - 1
Dù chỉ tăng giá của 350/3000 dịch vụ nhưng đối tượng người nghèo chắc chắn sẽ bị tăng gánh nặng chi phí "vênh" lên này. Vì thế, Bộ Y tế sẽ kiến nghị để Chính phủ, các bệnh viện có quỹ hỗ trợ các trường hợp không thể thực hiện được đồng chi trả. Ảnh minh họa: H.Hải
 

Theo ông Quang, việc điều chỉnh giá của 350 dịch vụ và tăng giá khám bệnh, giường bệnh áp dụng cho cả đối tượng chi trả trực tiếp và người có thẻ BHYT. Tuy nhiên mức tăng này về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người (62% dân số) đang có thẻ BHYT, gồm người làm công ăn lương, cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… do chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này cơ bản được BHYT chi trả.

Tuy nhiên, với đối tượng người nghèo phải đồng chi trả 5%, dù chỉ là 5% của 350 dịch vụ dự kiến tăng giá thì cũng rất khó khăn. Vì thế, để hỗ trợ người nghèo không có khả năng thực hiện đồng chi trả, Bộ Y tế sẽ đề nghị Thủ tướng chính phủ sửa đổi bổ sung quỹ khám chữa bệnh người nghèo. Chỉ đạo các BV công lập lập các quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ chi phí 5% có phần tăng lên này.

Tiền giường bệnh tăng, bệnh nhân có phải nằm ghép?

Trước đây, tiền giường điều trị chỉ từ 4.000 - 18.000 đồng với bệnh viện hạng 1, nay dự kiến tăng tối đa là 100.000 đồng/ngày mới có thể bù đắp các chi phí liên quan như điện, nước, chăn, ga, gối, đệm, bông băng, cồn …. Còn với giường ngoại khoa đặc biệt, mức tăng có thể lên 150.000 đồng/ngày (tăng khoảng 8 lần). Vậy với mức tăng cao như thế này, người bệnh có thoát cảnh nằm ghép 3 - 4 người một giường?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ phó Vụ Kế hoạch - tài chính cho biết, vấn đề thu tiền giường người bệnh nằm ghép chưa được đề cập trong dự thảo lần này. Tuy nhiên cần khẳng định, mức giá này là áp dụng cho 1 người/1 giường. Còn với các bệnh viện quá tải, không tránh khỏi cảnh nằm ghép thì sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có tỷ lệ thu phí giường điều trị cho phù hợp.

Mức điều chỉnh vượt xa phí dịch vụ các bệnh viện đang áp dụng?

Theo dự thảo, một số dịch vụ điều chỉnh tăng giá dự kiến lại có giá cao hơn giá mà một số bệnh viện đang áp dụng tại khoa dịch vụ, khám chữa bệnh theo yêu cầu (với mức tính phí là tính đúng, tính đủ, trong khi giá đưa ra trong dự thảo chỉ là thu một phần viện phí).

Cụ thể, tại Khoa 1C (Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu) của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), những thủ thuật, tiểu thủ thuật như: chọc hút hạch, chọc hút tuyến giáp, chọc dò màng bụng phổi đều có giá 50.000 đồng, chọc rửa màng bụng phổi có giá 100.000 đồng… Trong khi dự thảo đưa ra, chọc dò màng bụng, màng phổi từ 3.500-10.500 đồng lên mức 84.000-95.000 đồng, chọc rửa màng bụng, hút khí màng phổi từ 15.000-45.000 đồng lên 300.000-330.000 đồng gấp hơn 3 lần giá tại 1C Việt Đức; hay như sinh thiết tiền liệt tuyến qua soi bàng quang: 150.000 đồng, thì giá đưa ra trong dự thảo có sự “nhảy vọt”: sinh thiết tiền liệt tuyến qua soi bàng quang giá từ 15.000-45.000 đồng “nhảy” lên 300.000-350.000 đồng và riêng sinh thiết tủy xương có sự “đột biến” từ 10.000-30.000 đồng “vọt” lên 1,8-2 triệu đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, mức tăng mà dự thảo đưa ra chỉ là dự kiến. Bộ Y tế sẽ phải tiếp tục xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, sau đó sẽ tiếp tục thành lập hội đồng thẩm định điều chỉnh giá, sau đó mới thống nhất ký và ban hành.

Chất lượng khám bệnh có tăng?

Ông Nguyễn Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định: “Chất lượng khám chữa bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, nhà cửa, buồng bệnh, các trang thiết bị… Có rất nhiều kỹ thuật hiện đại các thầy thuốc VN thực hiện được, nhưng không có phương tiện vật chất. Còn nếu được đầu tư thì sẽ thực hiện được, ví dụ một kỹ thuật khó như ghép tim cũng đã thành công. Do vậy, với việc điều chỉnh giá viện phí của một số loại dịch vụ, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để góp một phần nâng cao chất lượng khám bệnh, để người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao hơn.

Hồng Hải