Làm thế nào để tăng cơ hội sống khi mắc ung thư dạ dày?

Hà An

(Dân trí) - Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh trên những người bề ngoài khỏe mạnh. Việc này giúp làm tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm tỷ lệ tử vong.

Khả năng phát hiện sớm bệnh phụ thuộc vào từng bệnh ung thư. Không phải tất cả các bệnh ung thư đều có thể phát hiện được sớm. Một số loại có thời gian tiềm ẩn khá dài trong khi một số lại phát triển rất nhanh, khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn.

Làm thế nào để tăng cơ hội sống khi mắc ung thư dạ dày? - 1

Ung thư dạ dày được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao như tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn... điều trị nội khoa không khỏi thì cần soi dạ dày để phát hiện ung thư.

Ung thư dạ dày là một trong số các bệnh ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam cũng như nhiều nước. Bệnh phát hiện sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả; chỉ cần nội soi hớt niêm mạc dạ dày là có thể chữa khỏi bệnh (sống sót sau 5 năm).

Thực tế, tại nước ta tỷ lệ phát hiện sớm bệnh rất hiếm. Ví dụ, tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), một năm chỉ có khoảng 30 ca được chẩn đoán ở giai đoạn sớm trong số hàng nghìn ca bệnh. Lý do là người dân chưa có thói quen khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Tại Nhật, ung thư dạ dày cũng là loại phổ biến nhất nhưng tỷ lệ chữa khỏi trên 80% nhờ chiến dịch sàng lọc sớm cho người dân trên 40 tuổi. 

Bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) khuyến cáo quan trọng nhất là người dân cần hình thành thói quen khám khỏe định kỳ từ ngoài 40 tuổi trở ra, trong đó có tầm soát ung thư. Những người tiền sử gia đình có người bị ung thư, đa polyp đại tràng, viêm gan B… nên khám sàng lọc sớm hơn. Với ung thư dạ dày, nên định kỳ nội soi dạ dày mỗi năm 1-2 lần, nếu kết quả bình thường thì có thể cách 2 năm làm.