Có những triệu chứng này, ung thư dạ dày đã bước sang giai đoạn muộn
(Dân trí) - Ở Việt Nam ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và hơn 15.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018 cho thấy, ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Đây là con số rất đáng báo động.
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng có thể gồm:
- Sút cân
- Đau trướng bụng, đặc biệt vùng trên rốn
- Mệt mỏi, chán ăn hoặc cảm giác ậm ạch khó tiêu
- Buồn nôn, nôn
- Đi ngoài phân đen
- Sờ thấy u ở bụng
Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư dạ dày. Nhưng khi bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Ung thư dạ dày được tầm soát như thế nào?
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng trong khám tầm soát ung thư dạ dày.
Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình nếu có, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
Bước 2: Nội soi dạ dày
Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn.
Ngoài ra, các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản…
Nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.
Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.
Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT. Bác sĩ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh.
Hơn nữa qua đó có thể đánh giá tình hình của bệnh nếu ung thư bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể như: gan, hạch, ổ bụng, ổ phúc mạc…
Bước 4: Sinh thiết
Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không.
Ung thư dạ dày được điều trị như thế nào?
Điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, hóa chất, xạ trị. Trong đó phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất mang tính chất triệt căn. Trong phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày có 2 phương pháp, một là phẫu thuật kinh điển mổ cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ, nạo vét hạch trong ung thư dạ dày. Phương pháp thứ 2 là phẫu thuật nội soi, từ nội soi 2D đến nội soi 3D…
Xạ trị cũng là một phương pháp điều trị đa mô thức trong ung thư dạ dày, tuy nhiên vai trò của xạ trị trong ung thư dạ dày ít tác dụng hơn so với các phương pháp khác. Người ta thường áp dụng để điều trị những biến chứng trong ung thư dạ dày khi mà các phương pháp khác không còn hiệu lực nữa.
Hóa chất vẫn đã và đang là phương pháp quan trọng trong điều trị đa mô thức ung thư dạ dày. Ngày nay với những tiến bộ nhiều của lĩnh vực dược khoa và các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch, các công thức hóa trị mới đã và đang được áp dụng ngày càng có những báo cáo rất là tốt trong điều trị ung thư dạ dày
Nguyên tắc phòng ngừa ung thư dạ dày
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. Đồng thời, hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.
Ngoài ra, cũng cần hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên; lý do vì qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư. Đặc biệt nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.
Người dân cũng cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.