Làm sao để biết hóa trị có hiệu quả?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong phương pháp hóa trị, các loại thuốc kháng ung thư được sử dụng có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính đang tăng trưởng và phân chia nhanh trong cơ thể người bệnh.

Phương pháp hóa trị có khả năng giúp bệnh nhân điều trị khỏi hoặc giảm bớt ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Trong phương pháp hóa trị, các loại thuốc kháng ung thư được sử dụng có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính đang tăng trưởng và phân chia nhanh trong cơ thể người bệnh.

Theo Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hóa trị nhằm can thiệp vào khả năng phân chia hoặc nhân lên của các tế bào đang phát triển. Bởi vì hầu hết các tế bào bình thường của một người trưởng thành không phát triển nhanh, nên chúng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hóa trị như các tế bào ung thư.

Tuy nhiên, các tế bào trong tủy xương (nơi sản sinh ra các tế bào máu), nang lông và niêm mạc của đường tiêu hóa thuộc loại phát triển mạnh, nên sẽ chịu ảnh hưởng của hóa trị và biểu hiện qua các tác dụng phụ của thuốc hóa trị liệu (như rụng tóc hoặc buồn nôn, tiêu chảy...).

Làm sao để biết hóa trị có hiệu quả? - 1

Một loại thuốc khác, bevacizumab, đôi khi được dùng bên cạnh các loại thuốc hóa trị. Bevacizumab có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm: tăng huyết áp, chảy máu mũi, chóng mặt, đau đầu và chậm lành vết thương.

Trong nhiều trường hợp thì hóa trị được đưa ra sau phẫu thuật ung thư. Tuy nhiên, với một số ca bệnh, bác sĩ có thể đưa ra một vài chu kỳ hóa trị trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ).

Mục tiêu là để giảm kích thước khối u và giúp bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả phần ung thư thuận lợi hơn. Hóa trị tân bổ trợ cũng có thể được sử dụng trong các tình huống ung thư di căn (làm cho phẫu thuật ban đầu có rủi ro) hoặc bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật.

Làm thế nào để biết hóa trị có hiệu quả?

Đối với trường hợp hóa trị bổ trợ sau khi khối u đã được cắt bỏ thì hiệu quả của hóa trị chính là khoảng thời gian bệnh ổn định, bệnh không tái phát.

- Đáp ứng hoàn toàn: Tất cả các tổn thương đều biến mất, không còn dấu hiệu gì của bệnh. Chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường (nếu trước đó có tăng cao).

- Đáp ứng một phần: Khối u nhỏ lại một phần (thường trên 50% kích thước ban đầu). Các chỉ điểm sinh học (nếu có) có thể xuống thấp nhưng bệnh vẫn còn tồn tại.

- Bệnh ổn định: Khối u không thoái lui nhưng cũng không phát triển thêm, bệnh ổn định. Chỉ điểm sinh học (nếu có) thường không tăng, giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.

- Bệnh tiến triển: Khối u tăng lên về kích thước hoặc xuất hiện thêm khối u ở vị trí khác. Chỉ điểm sinh học (nếu có) tăng cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm