Lá đu đủ có tác dụng chống ung thư?
(Dân trí) - Nhiều người bệnh ung thư truyền tai nhau sắc lá đu đủ để uống. Vậy lá đu đủ thực sự có công dụng với bệnh ung thư không?
Cây đu đủ rất phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới. Toàn thân cây đu đủ đều có thể sử dụng được để làm thực phẩm hoặc thuốc, mỹ phẩm.
Lá đu đủ chứa một lượng nhỏ protein, lipid, carbohydrate, ngoài ra còn có chất xơ, beta carotene, một số vitamin (B1, B2, B3, B6, B9, C) và chất khoáng (canxi, magie, sắt, phospho, K).
Nó cũng chứa một số chất sinh học có tác dụng chống oxy hóa, giảm sốt (flavonoids), đề kháng ung thư (cyanogenic glycosides), đề kháng đái tháo đường (quinones).
Một số nơi dùng lá đu đủ để làm rau hoặc làm thuốc điều trị sốt trong các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya.
Theo Healthline, lá đu đủ đã được sử dụng trong y học cổ truyền để ngăn ngừa và điều trị một số loại ung thư, nhưng nghiên cứu hiện đại vẫn còn thiếu.
Chiết xuất lá đu đủ đã chứng minh khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú trong các nghiên cứu trong ống nghiệm, nhưng cả thí nghiệm trên động vật và người đều không lặp lại những kết quả này.
Mặc dù tiêu thụ lá đu đủ và các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khác có thể đóng vai trò ngăn ngừa ung thư nhưng chúng chưa được chứng minh là có khả năng chữa bệnh.
Theo Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện K (Hà Nội), cho đến nay, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú…
Cơ chế có thể là do sự kích hoạt của caspase-3/7 và con đường ty thể phụ thuộc p53 hoặc bắt giữ các tế bào u trong pha S gây chết tế bào.
Ngoài ra, dịch chiết lá đu đủ đã được chứng minh là làm giảm tính di căn của ung thư như giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào, chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào.
Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.
Một số nghiên cứu trên lâm sàng sử dụng dịch chiết (dạng viên nang) của lá đu đủ cho bệnh nhân đang điều trị hóa chất bị giảm tiểu cầu cho thấy chúng giúp làm tăng tiểu cầu và cải thiện các chỉ số về đông máu trên nhóm bệnh nhân này.
Dịch chiết của lá đu đủ có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với một loại thảo dược khác với liều lượng dao động 580-2.200mg/ngày, thời gian điều trị 5-10 ngày.
Cơ chế được cho là qua hoạt động biểu hiện gen. Carpaine trong chiết xuất lá đu đủ làm tăng hoạt động của một số gen, bao gồm cả thụ thể yếu tố kích hoạt tiểu cầu (PTAFR) và gen arachidonate 12-lipoxygenase (ALOX-12), làm tăng biểu hiện thụ thể CD110 trên tế bào megakaryocyte. Từ đó, kích thích tủy xương sản xuất nhiều megakaryocyte hơn.
Những tế bào megakaryocytes khi trưởng thành sẽ vỡ ra thành tiểu cầu. Ngoài ra, các hợp chất flavonoid, chất chống oxy hóa như vitamin C, beta caroten trong lá đu đủ cũng giúp bảo vệ tế bào, hạn chế tan máu và chảy máu.
Như vậy, cho tới nay chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất.
Lá đu đủ mang lại lợi ích tuy nhiên cũng có nguy cơ có hại, hơn nữa tương tác giữa thuốc - thảo mộc có thể xảy ra giữa lá đu đủ và một số loại thuốc điều trị bệnh lý đái tháo đường và một số thuốc kháng sinh.
Vì thế, trước khi sử dụng lá đu đủ, bệnh nhân cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.