Chuyên đề Giáo dục ý thức vệ sinh của trẻ
Kỳ 3: Tín hiệu khả quan từ cuộc họp bàn tròn bất ngờ
Vấn đề giáo dục ý thức trẻ về vệ sinh học đường nói riêng và công cộng nói chung đã có những tín hiệu khả quan từ những bước đi đúng đắn.
Mục tiêu của vấn đề đã được đề cập một cách cụ thể là giáo dục trẻ phải đi từ những bài học trực quan sinh động và những nhà vệ sinh mới, sạch khuẩn chính là động lực lớn nhất. “Biết bệnh bốc thuốc”, vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để và sâu sát hơn nữa để trẻ không chỉ ý thức giữ gìn vệ sinh trường học mà sẽ ý thức giữ gìn vệ sinh chung ở bất cứ đâu để thể hiện nếp sống văn minh đô thị.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi đến “Lễ Khánh Thành Công Trình Vệ Sinh Học Đường” tại trường TH Hoàng Hoa Thám, huyện Hóc Môn tham quan nhà vệ sinh sạch khuẩn vừa được xây mới từ nguồn quỹ của chương trình “Đồng Hành Cùng Vệ Sinh Học Đường” do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp với nhãn hàng VIM thực hiện. Và tại đây, chúng tôi đã đột xuất tổ chức “hội nghị bàn tròn” nho nhỏ giữa các cơ quan chức năng, những người trong cuộc và nhà trường.
Xin chào quý vị, quý vị có cho rằng vấn đề giáo dục trẻ ý thức vệ sinh học đường đã được nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh?
Ông Phan Văn Kèo (Đại diện Phòng Giáo Dục huyện Hóc Môn): Tôi cho rằng, nhờ việc nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm chỉnh nên mới có được những kết quả khả quan như hôm nay.
Vậy thưa ông bà, kết quả khả quan mà ông Kèo đề cập cụ thể là như thế nào ạ?
Anh Đinh Tung Hoành (Đại diện Thành Đoàn TPHCM): Xét về phương diện rộng toàn quốc thì chúng tôi chưa thực sự dám khẳng định thành quả nào. Thành Đoàn chúng tôi cùng VIM chỉ tham gia thực hiện chương trình Đồng Hành Cùng Vệ Sinh học Đường trong 3 năm qua nên tôi chỉ xin chia sẻ những kết quả mà chương trình của chúng tôi đạt được. Đó là hơn 3.000 nhà vệ sinh tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Cạn, Huế, Đà Nẵng được dọn dẹp sạch sẽ với sự hỗ trợ của 20.000 tình nguyện viên cùng với hơn 23.000 chai VIM được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, chương trình còn gây được nguồn quỹ cộng đồng 1,7 tỷ đồng dành cho các hoạt xây mới nhà vệ sinh đạt chuẩn sạch khuẩn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phụ huynh lẫn các em học sinh đều rất phấn khởi và quan tâm đến chương trình, từ đó sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, và đó cũng là điều mà chúng tôi mong muốn.
Cụ thể thì học sinh và phụ huynh quan tâm hơn như thế nào ạ?
Chị Trần Thị Thu Thảo (Đại diện Hội PHHS): Tôi cảm nhận các cháu rất thích nhà vệ sinh mới, đơn cử như cháu Tuấn Kiệt nhà tôi tối hôm qua đã mày mò làm biển báo để treo trong dịp mừng nhà vệ sinh mới. Hỏi cháu thì cháu trả lời rất vô tư: “Thích lắm mẹ ơi, nhà vệ sinh trường con hết mùi hôi rồi! Con thấy bạn Ngân và bạn Hoa làm vậy nên con làm theo. Khi các bạn đọc cái này sẽ không bỏ rác bừa bãi và sẽ luôn nhớ dội nước phải không mẹ?” Khi có được nhà vệ sinh mới, các em về kể với cha mẹ, cha mẹ xin vào trường để được mắt thấy, tai nghe và tất cả đều hài lòng. Theo tôi thì các bé đã phần nào biết ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Dựa vào những tiêu chí cụ thể như thế nào để chúng ta đánh giá trẻ biết ý thức hơn?
Thầy Trần Vũ Hải (Hiệu trưởng trường Hoàng Hoa Thám): Tiêu chí cụ thể hiện nay thì chưa có, nhưng trong cuộc họp phụ huynh học sinh vừa qua của chúng tôi, nhà vệ sinh không còn là vấn đề phải bàn thảo đến hết ngày nữa. Sau khi có nhà vệ sinh sạch đẹp, chúng tôi cũng dễ dạy học sinh về ý thức giữ vệ sinh cá nhân, giữ vệ sinh chung hơn khi các tiết học ngoại khóa về vấn đề này, các thầy cô không còn phải khó xử vì các câu hỏi “nhà vệ sinh trường mình sao không giống như vậy” và các em cũng thích thú hơn. Điều dễ thấy nhất là với gần cả ngàn em học sinh, tuy không dám nói là không còn một cọng rác sau giờ ra chơi nhưng tình trạng rác ngập sân trường giảm đi đáng kể so với trước đây, nếu ngày xưa 10 phần thì giờ chỉ còn 3-4 phần. Tôi nhận thấy các bài học về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng bắt đầu có hiệu quả.
Bất kỳ chương trình nào cũng có những mặt tốt và hạn chế, theo quý vị chương trình có gì cần cải thiện?
Ông Phan Văn Kèo: Theo quan điểm cá nhân, kinh phí để đầu tư cho một nhà vệ sinh mới sẽ không nhỏ và trách nhiệm vì cộng đồng này không của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Nếu chỉ nhãn hàng VIM và Thành Đoàn thì số lượng nhà vệ sinh sạch khuẩn trong mỗi năm sẽ không nhiều so với 11.000 trường học trên khắp cả nước. Vì thế chương trình cần có nhiều hoạt động hơn nữa để gây quỹ và mọi người dân cũng cần tham gia tích cực hơn. Bên cạnh đó, chương trình nên mở rộng về các vùng nông thôn nữa vì khoảng 80% nhà vệ sinh học đường tại các vùng nông thôn chưa sạch khuẩn, dễ trở thành nguồn lây bệnh. Mặt khác, bên cạnh việc dọn dẹp nhà vệ sinh, chương trình nên có những buổi ngoại khóa kèm theo để hướng dẫn các em về cách giữ gìn nhà vệ sinh đúng cách. Như thế mới các nhà vệ sinh mới không ‘tái bẩn’. Vì không gì hữu hiệu hơn khi chính các em là tham gia vào công việc giữ gìn.
Trước những ý kiến của đại diện Phòng Giáo Dục nhãn hàng VIM cảm nghĩ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh (Đại diện nhãn hàng VIM): Những ý kiến đóng góp ấy thật quý báu, vì có quan tâm thì mới có được những đề nghị để chương trình được tốt hơn. Từ những sự ủng hộ tích cực của cộng đồng và các cơ quan chức năng, trong năm tiếp theo VIM sẽ tiếp tục lên kế hoạch tổ chức chương trình với quy mô lớn hơn ở các tỉnh khác và mở rộng phạm vi ra các vùng ngoại ô.
Với những kết quả khả quan từ cuộc ‘hội ngộ bất ngờ’ này thì con đường tiến tới “100% nhà vệ sinh sạch khuẩn” do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề ra sẽ không còn xa lắm!
Trung Trần