"Kinh hãi" với những thành phần có trong mỹ phẩm giả
Nước tiểu, chất độc xyanua, chất thải từ chuột... đã được tìm thấy trong thành phần các loại mỹ phẩm giả xuất hiện tại thị trường Anh.Thông tin trên được tiết lộ bởi sở Cảnh sát London, Anh quốc.
Theo ước tính của cảnh sát, người tiêu dùng Anh đã tiêu tốn ít nhất 90 triệu bảng Anh (141 triệu USD) mỗi năm cho mỹ phẩm giả. Và con số này được dự báo sẽ tăng mạnh khi người tiêu dùng đang có xu hướng mua hàng thông qua các kênh trực tuyến nhiều hơn.
Cũng theo cảnh sát, kết quả kiểm tra mỹ phẩm giả trong phòng thí nghiệm cho thấy, một số mẫu nước hoa giả có thành phần của nước tiểu người, chất độc xyanua; còn trong son môi, chì kẻ mắt và phấn trang điểm đã tìm thấy thuỷ ngân và asen. Những thành phần độc hại này có thể gây dị ứng khiến da bị sưng phồng hoặc bỏng. Các sản phẩm giả thường được sản xuất trong những môi trường kém vệ sinh nên trong nhiều trường hợp, đã tìm thấy cả phân chuột, chất độc sau khi phân tích nhiều mẫu mỹ phẩm giả.
Cảnh sát cũng cảnh báo, sử dụng các dụng cụ làm tóc giả cũng như các thiết bị làm đẹp bằng điện khác có thể gây cháy tóc, thậm chí là cháy da mặt và da đầu cũng như tiềm ần nhiều nguy cơ cháy nổ. Trong khi đó, kem chống nắng giả có thể khiến cho da bị rát, sưng tấy thay vì tác dụng chống nắng.
Cục phòng chống tội phạm về sở hữu trí tuệ Anh (PIPCU) đã tiết lộ những thông tin nói trên trong một chiến dịch kêu gọi người tiêu dùng Anh tỉnh táo, nói không với sản phẩm giả với khẩu hiệu "Wake up - don't fake up!" được khởi động hôm nay tại Anh.
Bà Maria Woodall, cảnh sát điều tra, Sở Cảnh sát London cho biết rất nhiều người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn bên trong mỹ phẩm giả.
"Những kẻ làm hàng giả đang tận dụng mọi cơ hội để lừa người tiêu dùng mua sản phẩm của chúng nhằm thu lợi càng nhiều càng tốt. Điều này là vô cùng nguy hiểm đối với sức khoẻ và cuộc sống của người tiêu dùng. Những sản phẩm làm đẹp được sản xuất với mục đích là cho con người ta đẹp hơn nhưng mỹ phẩm giả sẽ gây ra những tác động hoàn toàn ngược lại," theo bà Woodall.
Không chỉ có sức khoẻ bị ảnh hưởng, với việc càng ngày càng có nhiều người mua mỹ phẩm giả qua các kênh trực tuyến, người tiêu dùng còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, vị cảnh sát này cảnh báo.
Chỉ trong 18 tháng qua, cảnh sát Anh đã bắt giữ số mỹ phẩm giả trị giá lên tới 3,5 triệu bảng Anh (5.49 triệu USD), vì vậy PIPCU cảnh báo người tiêu dùng nước này cần cẩn thận trước những sản phẩm có những tính năng quá tốt theo quảng cáo, hoặc những sản phẩm có giá quá rẻ.
Trước mắt, những khách hàng thường xuyên mua hàng trực tuyến được khuyên chỉ nên mua của những đơn vị uy tín, kiểm tra kỹ địa chỉ của người bán hàng và hỏi kỹ những thông tin liên quan tới chính sách đổi trả hàng hoá.
Theo Trang Kiều
Nguồn CNBC/Đất Việt