Thanh Hóa:

Kinh hãi rác thải y tế lẫn trong rác sinh hoạt tại các phòng khám tư

(Dân trí) - Bông băng, ống máu, kim tiêm... được bỏ lẫn trong rác sinh hoạt rồi để ra vỉa hè chờ lao công mang đi. Đó là thực trạng đang diễn ra tại một số phòng khám trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Thế nhưng, cơ quan chức năng không biết hay cố tình lờ đi?

Theo quy định, rác thải y tế phải được phân loại thành 5 nhóm: Rác thải lây nhiễm, các vật sắc nhọn, rác thải từ phòng thí nghiệm, rác từ dược phẩm, rác thải bệnh phẩm. Cùng với việc phân loại, mỗi loại rác thải khác nhau cần phải có quy trình xử lý đúng cách để hạn chế tối thiểu những tác động đến môi trường. Trên thực tế, môi trường ô nhiễm trong đó có sự góp phần cuả chất thải y tế, tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người.

Thế nhưng, sau một thời gian dài tìm hiểu và theo dõi tại một số phòng khám tư trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, chúng tôi không khỏi giật mình bởi một thực trạng đáng báo động là rất nhiều phòng khám tư đều bỏ chung rác thải y tế cùng với rác sinh hoạt rồi tuồn ra ngoài. Điều đáng nói hơn, thực trạng này diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng dường như không hề hay biết.

Kim tiêm, ống máu trong túi nilon màu đen
Kim tiêm, ống máu trong túi nilon màu đen

Có thể nói cơ quan chức năng không hề hay biết bởi không khó để phát hiện việc này tại các phòng khám. Ngày nào cũng vậy, cứ kết thúc một ngày, nhân viên tại phòng khám lại mang những túi nilon màu đen đặt ở phía ngoài hành lang và chờ lao công đến mang đi.

Phía trong những chiếc túi nilon màu đen ấy là kim tiêm, dây chuyền, bông băng... và có thể cả những dị vật được cắt bỏ từ cơ thể con người. Dù những chiếc núi nilon màu đen được ngụy trang một lớp rác bình thường phía trên nhưng không thể ngụy trang được thứ mùi tanh hôi, xú uế đang tỏa ra từ những chiếc túi đó.

Tại một địa điểm gồm hai phòng khám liền kề nhau. Cả hai phòng khám này đều để chung những túi nilon đen vào một góc. Phóng viên Dân Trí đã đột nhập để kiểm tra những chiếc núi nilon này thì bị một nhân viên của phòng khám ra ngăn cản. Nhân viên này vừa dùng chân gạt những miếng bông băng còn dính máu đang rơi ra vừa nói “không được chụp, không được quay”.

Một nhân viên thử việc tại một phòng khám tư thật thà: “Em nghĩ là rác thải y tế phải được mang đi xử lý riêng chứ không được bỏ chung vào rác sinh hoạt nhưng em được các anh chị ở đây chỉ đạo nên em làm theo thôi. Cứ cuối ngày thì em lại thu gom tất cả các rác thải trong phòng khám bao gồm cả rác sinh hoạt và rác y tế gom lại bỏ vào bao nilon đen rồi mang để ra vỉa hè. Đến giờ, lao công sẽ đến mang đi”.

Những chiếc túi nilon màu đen được gom lại từ các phòng khám
Những chiếc túi nilon màu đen được gom lại từ các phòng khám

Đúng như những gì nhân viên này nói, đến giờ, lao công sẽ đến và mang những túi nilon ấy bỏ vào thùng. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến vô số những bơm kim tiêm, bông băng, ống máu...được chị lao công đổ ra từ những núi nilon chị gom tại các phòng khám. Chị lao công cho biết: “Dọn rác ở các phòng khám tư chị sợ lắm, không phải bây giờ mới có đâu, bao nhiêu lâu nay chị biết họ bỏ chung những thứ rác thải này cùng với rác sinh hoạt rồi. Người ta bỏ vào túi nilon cho là may đấy, có nhiều chỗ họ còn đổ chung tất cả rác vào một cái giỏ nhựa rồi mình phải đổ vào thùng để trả lại giỏ cho họ, nguy hiểm lắm”.

Những chiếc nilon màu đen được chị lao công đổ những thứ bên trong ra
Những chiếc nilon màu đen được chị lao công đổ những thứ bên trong ra

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi được ông Lê Hữu Uyển, phát ngôn báo chí của Sở Y tế Thanh Hóa hướng dẫn cho gặp ông Nguyễn Bá Hoạch, Trưởng phòng quản lý y dược tư nhân. Thế nhưng, ông Hoạch đã từ chối làm việc với lý do “tôi bận không thể làm việc được và tôi không phải là người phát ngôn, có gì anh chị gặp anh Uyển”.

Sau khi bị từ chối làm việc, ông Uyển giới thiệu PV gặp ông Lê Văn Hùng, Trưởng Phòng Y tế thành phố Thanh Hóa. Tuy nhiên, vị này không nắm rõ được bất cứ thông tin gì, ngay cả việc hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có bao nhiêu phòng khám tư nhân, ông cũng không nắm được con số chính xác vì cho rằng “hầu hết mọi việc đều do Sở quản lý”.

“Có nhiều phòng khám tư nhân đáng lý ra họ phải qua phòng Y tế thành phố xin phép được hoạt động, Phòng sẽ báo cáo lên Sở để cấp phép. Từ đó thì Phòng mới có thể nắm được con số cụ thể. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các phòng khám đều đi thẳng lên Sở xin cấp phép mà không qua thành phố nên nhiều khi bỗng dưng thấy mọc lên mới biết là Sở đã cho phép. Ngay cả việc thanh kiểm tra cũng do Sở vì khi Sở kiểm tra rồi mà chúng tôi đi kiểm tra lại thì lại chồng chéo nên có khi thì chúng tôi kết hợp với Sở đi kiểm tra có khi thì Sở đi riêng. Vì thế những việc thanh kiểm tra đều do Sở nắm. Phòng chúng tôi không nắm được các cơ sở vi phạm”, ông Hùng phân trần.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Nguyễn Thùy