Kiên quyết chống thực phẩm bẩn!

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm bẩn là vấn đề bức xúc nổi cộm. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4 – 15/5/2016, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ ráo riết để giải quyết vấn đề nổi cộm này.

Thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Long, rau, thịt là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Việc thực phẩm rau, thịt tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; kim loại nặng trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi; nhiễm vi sinh vật trên rau, thịt... khiến người dân lo lắng.

Các sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc, gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vì thế, mục tiêu trong tháng hàng động là sẽ giải quyết những bức xúc nổi cộm này, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản, đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.

Theo đó, sẽ có 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương và hàng trăm đoàn kiểm tra tại các địa phương, tập trung thanh kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo đó, đoàn số 1 sẽ do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- C49 (Bộ Công an) tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Hà Nam, Lào Cai.

Đoàn số 2 gồm Cục Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- C49 (Bộ Công an), Viện Vệ sinh y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Đoàn số 3 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin & truyền thông), Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Thanh Hóa, Nghệ An.

Đoàn số 4 do Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Lâm Đồng, Đắc Nông.

Đoàn số 5 do Cục An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ Bộ Công thương, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Vệ sinh y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Cần Thơ, Hậu Giang.

Đoàn số 6 do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục Thú y, Viện Pasteur Nha Trang tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Khánh Hòa, Bình Định.

Theo Cục An toàn thực phẩm, tháng hành động an toàn thực phẩm là tháng cao điểm tiến hành các hoạt động thanh kiểm tra. Còn các hoạt động thanh kiểm tra thường xuyên vẫn diễn ra ở các thời điểm khác trong năm.

Trong thời gian diễn ra tháng hành động an toàn thực phẩm, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố.

Yêu cầu ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm

Trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, thời gian qua, một số địa phương đã triển khai ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn và đã đạt được kết quả bước đầu: chủ các cơ sở chăn nuôi nêu cao ý thức kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi và đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm chăn nuôi tại địa phương.

Công văn của Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương tiếp tục phát động “Phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”
Công văn của Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương tiếp tục phát động “Phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”

Để phát huy hơn nữa tinh thần chủ động và tham gia tích cực của chủ các cơ sở chăn nuôi trên cả nước về việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm chăn nuôi an toàn, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ “Phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”

Đối với các địa phương chưa triển khai ký cam kết: Rà soát lập danh sách các cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm thương phẩm quy mô vừa và quy mô lớn để ký cam kết; Tuyên truyền cho chủ các cơ sở chăn nuôi và người dân hiểu được ý nghĩa của việc ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm triển khai ký cam kết cho từng cơ sở chăn nuôi tại các huyện, xã; Triển khai ký cam kết; Thực hiện giám sát, kiểm tra sau cam kết. Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để khắc phục và đồng thời phát hiện những kết quả tốt để tuyên dương.

Đối với các địa phương đã, đang triển khai ký cam kết: Tiếp tục tuyên truyền cho chủ các cơ sở chăn nuôi và người dân hiểu được ý nghĩa của việc ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra sau cam kết để kịp thời điều chỉnh các vướng mắc và phát hiện, tuyên dương những kết quả tốt. Định kỳ tổng kết bài học kinh nghiệm, cải tiến cách làm theo hướng tốt hơn.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần thiết lập “đường dây nóng” bao gồm số điện thoại, người thường trực để tiếp nhận và xử lý các thông tin do các tổ chức, cá nhân cung cấp về việc phát hiện các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; chăn nuôi không an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp kết quả ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn gửi về Cục Chăn nuôi để tổng hợp báo cáo Bộ vào ngày 30/6.

Tú Anh - Nguyễn Dương