1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, “cuộc chiến” cần cộng đồng tham gia

(Dân trí) - Nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị, tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh thực trạng quá tải, hạ tầng xuống cấp, thiếu nhân lực thì ý thức giữ vệ sinh trong bệnh viện còn kém đang gây khó khăn cho “cuộc chiến” kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn tăng nguy cơ tử vong

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, trong môi trường bệnh viện, trên mỗi cm2 bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn.

Vệ sinh tay được xem là “thuốc kháng sinh” rẻ nhất, tốt nhất, đơn giản nhất để chống nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, giảm nhiễm trùng cho người bệnh trong quá trình chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai giải pháp tưởng chừng rất đơn giản này lại trở nên vô cùng khó khăn.

Nhiễm khuẩn bệnh viện đang trở thành nguyên nhân chính gây nên tình trạng đa kháng thuốc của các loại vi khuẩn, kéo dài thời gian điều trị, gia tăng chi phí y tế, tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.

Nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, khó khăn cho điều trị
Nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, khó khăn cho điều trị

Từ năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành những hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế, xem đây là giải pháp quan trọng để bảo vệ sự sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi trên, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 5 trong số 18 nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương đăng ký cam kết tham gia chiến dịch vệ sinh tay. Thông tư 37 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 quy định về việc điều chỉnh viện phí theo hướng tiến tới tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá) liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế đã có nhiều ưu tiên với khoảng 30% chi phí cho giường bệnh được tính vào công tác chăm sóc nhiễm khuẩn. Đây là điều kiện quan trọng cho các bệnh viện tăng cường các yếu tố kiểm soát, tiến tới từng bước đẩy lùi tình trạng nhiễm khuẩn.

Cuộc chiến nhiều chông gai

Người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao trong quá trình điều trị
Người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng nhiễm trùng, nguy cơ tử vong cao trong quá trình điều trị

Tại buổi lễ phát động chiến dịch “Bảo vệ sự sống: hãy vệ sinh tay” tổ chức tại bệnh viện Quận Thủ Đức (sáng 5/7) TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn, TPHCM cho hay: Hiện nay, tỷ lệ tuân thủ quy trình rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh tại các bệnh viện mới chỉ đạt khoảng 60%. Ngành y tế Việt Nam nói riêng và y tế thế giới nói chung đang hướng đến mục tiêu tới năm 2020, tỷ lệ tuân thủ rửa tay sẽ đạt khoảng 80%.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng quá tải khiến cường độ làm việc của bác sĩ luôn ở mức rất cao nên vệ sinh tay thường xuyên là thao tác tốn thời gian, thường bị bác sĩ, nhân viên y tế “bỏ quên” đến mức Bộ Y tế đã đưa vệ sinh tay vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

TS.BS Thanh Hà cho hay: Hiện nay các bệnh viện ại TPHCM, việc bố trí các lavabo rửa tay cho nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh tại những cơ sở y tế đã xây dựng cách đây hàng chục năm nay không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận y bác sĩ, nhân viên y tế trong việc chống nhiễm khuẩn còn thấp khi họ “lười” rửa tay. Mặt khác, công tác tuyên truyên còn hạn chế nên chưa tác động và thay đổi nhận thức theo hướng tích cực của người bệnh, thân nhân nuôi bệnh dẫn tới tình trạng bất hợp tác hoặc hợp tác theo kiểu chống chế trong khuyến cáo vệ sinh tay, giữ vệ sinh chung ở bệnh viện… khiến nguy cơ nhiễm khuẩn khó bị đẩy lùi.

Cũng theo TS Thanh Hà, thách thức lớn nhất của ngành nhiễm khuẩn hiện nay chính là nguồn nhân lực. Người công tác tại khoa Chống nhiễm khuẩn cần phải được trang bị những kiến thức chuyên môn sâu mang tính tổng hợp liên quan đến chăm sóc điều trị, vệ sinh môi trường, kiến trúc bệnh viện như thế nào cho phù hợp, giám sát vi sinh… Tuy nhiên, nhân sự của lĩnh vực này chưa được chú trọng, cả nước chỉ có duy nhất trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có bộ môn Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân sự đào tạo chưa nhiều nên chưa đủ đáp ứng.

Vân Sơn