Nhiễm khuẩn bệnh viện: Nỗi sợ hãi của nhân viên y tế và bệnh nhân!

(Dân trí) - “Nhiễm khuẩn bệnh viện là nỗi sợ hãi với cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Người bệnh có thể bị lây chéo, nhiễm vi khuẩn kháng thuốc . Vi khuẩn có thể truyền từ bàn tay của nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, từ dụng cụ, trang thiết bị tại BV…”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội thảo “Cập nhật lâm sàng về nhiễm khuẩn phụ khoa và trẻ sơ sinh” diễn ra tại Hà Nội chiều 1/3, do Hội Sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam phối hợp với BV Phụ sản Trung ương tổ chức.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, những con số “biết nói” với trên 80% dân số không rửa tay với xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh; 74% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi không rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn; cứ 100 người trưởng thành (tuổi từ 15 - 60) chỉ 1,5 người rửa tay sau khi chăm người ốm; chỉ gần 53% học sinh rửa tay với xà phòng sau khi đi đại tiện; đặc biệt tỷ lệ người rửa tay sau khi chơi với các vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác… vẫn còn rất thấp cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của người Việt chưa cao. Trong khi đó, giữ được “bàn tay sạch” là một trong những nguyên tắc phòng lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ cúm, tả, thương hàn, tay chân miệng…

Tại các bệnh viện, nhiễm khuẩn bệnh viện là nỗi kinh hoàng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Bởi khi bị lây nhiễm chéo các vi khuẩn nhiễm khuẩn bệnh viện (đại đa số là kháng rất nhiều loại thuốc kháng sinh) việc điều trị sẽ khó khăn, kéo dài hơn rất nhiều. Vì thế gần đây, công tác chống nhiễm khuẩn đã được đặc biệt quan tâm tại các bệnh viện. Viện nào cũng có các khoa, trung tâm chống nhiễm khuẩn để chống nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ khâu chăm sóc của y tá, điều dưỡng nếu bàn tay không được sạch, từ các trang thiết bị, giường, đệm tại bệnh viện…

Theo PGS Nguyễn Viết Tiến, ở lĩnh vực sản khoa và nhi khoa, chống nhiễm khuẩn bệnh viện càng đặc biệt quan trọng bởi nguy cơ cho thai phụ và trẻ sơ sinh rất cao. Tại BV Phụ sản TƯ thường xuyên tiếp nhận nhiều thai phụ do không biết cách thực hành vệ sinh tốt, bị nhiễm khuẩn phần phụ và tình trạng này có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi, khi sinh con trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng ngay trong buồng tử cung, thậm chí không giữ được thai do viêm nhiễm dẫn đến vỡ ối non.

Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí rất cao kết hợp với điều kiện sống và làm việc chưa tốt. Đặc biệt nhiều phụ nữ nông thôn phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt với phòng hộ lao động kém nên tỷ lệ viêm đường sinh dục khá cao. Những thủ thuật như nạo hút thai, khám bệnh ở các phòng mạch, trung tâm vô khuẩn chưa tốt. Các kiến thức vệ sinh dục của phụ nữ thiếu khoa học, sự kém hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi giao hợp cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Vì vậy, quan tâm đến việc hướng dẫn thực hành vệ sinh cho thai phụ trong suốt quá trình mang thai, sau sinh là vô cùng quan trọng.

Sau khi sinh, người phụ nữ luôn phải đối mặt với những viêm nhiễm phụ khoa, chính vì vậy giai đoạn này người phụ nữ phải chăm sóc thật tốt khâu vệ sinh và đi khám phụ khoa ngay khi có những biểu hiện bất thường. Bác sĩ Lê Thị Thanh Vân, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục dễ xảy ra trong thời kỳ hậu sản (42 ngày sau đẻ), sau nạo hút thai. Những ca nhiễm trùng hậu sản đều rất nguy hiểm, vì vậy chăm sóc sản phụ khi sinh, càng vệ sinh sạch sẽ bao nhiêu thì tử vong tai biến sản khoa càng giảm đi bấy nhiêu. Vì vậy, người bệnh, sản phụ và cả gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế cần có ý thức giữ vệ sinh bàn tay, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng lây nhiễm bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. 

Tú Anh