1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không tự ý mua thuốc điều trị tiêu chảy cấp

(Dân trí) - Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp nghiêm trọng đang diễn ra khá phức tạp, đã có một số người dân tự ý đi mua thuốc trị tiêu chảy mà không biết rõ loại thuốc gì để phòng thân. Đây là một việc làm rất sai lầm và có thể gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng.

Trả lời báo Dân trí qua điện thoại, dược sĩ Nguyễn Đức Bôn - Chánh văn phòng Cục Quản lý Dược cho biết, mỗi loại thuốc đều được coi là đặc trị cho một bệnh nào đó nhưng vấn đề là cần tìm ra một phác đồ điều trị đặc hiệu trong việc phối hợp các loại thuốc để đem lại hiệu quả tốt nhất.

 

Dược sĩ Bôn cũng cho biết thêm, với một phác đồ điều trị đặc hiệu, Cục Quản lý Dược sẽ có trách nhiệm cung cấp thuốc đủ và đúng yêu cầu cho phác đồ.

 

Được biết, Cục Quản lý Dược đã và đang yêu cầu các công ty dược khẩn trương khai thác các nguồn hàng để sản xuất và nhập khẩu ngay dịch truyền và một số loại kháng sinh như Azithromycin, Cefotaxime, kháng sinh thuộc nhóm Quinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin) phục vụ điều trị và phòng chống dịch. Cục Quản lý Dược VN sẽ trực 24/24h để giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu phòng chống dịch bệnh.

 

Như vậy có thể thấy, người dân không nên tự ý đi mua thuốc nếu không có chỉ định của bác sỹ. Bởi nếu không dùng đúng thuốc sẽ làm bệnh nhân nặng thêm, và điều này càng đặc biệt nguy hiểm khi những người bệnh không được cách ly và làm lây lan cộng đồng. Hãy đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp vì sức khoẻ của người thân và cộng đồng.

 

Một số dạng tiêu chảy

 

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn, nhiễm độc từ thức ăn: Thường gặp nhất là bệnh do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella (S.typhi murium và S.enteritidis). Thời gian ủ bệnh trung bình 12-36 giờ sau ăn. Bệnh khởi phát đột ngột: sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước đôi khi có nhày, máu, gần giống phân trong lỵ trực khuẩn. Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.

 

Ngoài ra bệnh còn có thể xuất hiện khi ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn và chính độc tố này gây bệnh (độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium perfrigens, Clostridium botulinum, bacilluscerus và Vibrio parahaemolyticus). Biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong.

 

Tiêu chảy dạng tả: Bệnh do vi khuẩn Vibrio cholerae gây nên. Thời gian ủ bệnh trung bình 5 ngày. Triệu chứng thường gặp là đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh dễ gây dịch.

 

E.coli sinh độc tố ruột: gây tăng tiết dịch và điện giải vào lòng ruột, không có viêm. Nguồn lây là thức ăn và nước. Thời gian ủ bệnh 24-72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đây là thể bệnh tiêu chảy nhẹ nhưng kéo dài có khi đến 5 tuần.

 

Tiêu chảy với biểu hiện hội chứng lỵ:Căn nguyên do Shigella gây ra. Triệu chứng là đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay như nước rửa thịt, sốt. Cần điều trị sớm bằng kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên hiện nay trực khuẩn này đã kháng với nhiều loại kháng sinh nên cần lựa chọn loại thích hợp.

 

Escherichia coli (E.coli) gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ: đau quặn, mót rặn, phân lỏng có máu mũi...

 

Theo Sức khoẻ & Đời sống

 

Lan Hương