Không phải ai cũng bị bệnh suy thận từ chuột cống
Sự kiện viện Pasteur TPHCM phát hiện 3/25 con chuột cống được bắt ngẫu nhiên mang virút Hanta gây suy gan, suy thận đã khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Trong bếp không để thức ăn thừa và vương vãi, trong nhà không để những hóc kẹt để chuột không có chỗ nương náu. Đây là hai cách hiệu quả nhất. Không nên dùng hoá chất để diệt chuột vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và vật nuôi Ảnh: Phan Quang
Trước thông tin này, TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đã khuyên người dân bình tĩnh. Ông nói: “Virút Hanta sống phổ biến trên loài chuột hoang dã và có nhiều trong nước tiểu của chúng. Nhiễm virút Hanta không phải là bệnh mới vì đã được ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, nhiễm virút Hanta có nhiều mức độ khác nhau, không phải ai nhiễm cũng mắc bệnh và nếu mắc bệnh cũng không phải ai cũng bị nặng, diễn tiến cấp, suy đa cơ quan và tử vong trong 7 – 10 ngày”.
Cũng theo bác sĩ Siêu, từ trước đến nay y văn thế giới chưa ghi nhận cơn dịch nào do virút Hanta gây ra mà chỉ ghi nhận những ca bệnh lẻ tẻ, có tiền sử tiếp xúc với nước tiểu chuột hoặc làm việc gần nơi nhiều chuột sinh sống. Hàng năm tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 1 – 2 ca nhiễm virút Hanta nặng, đến từ nhiều nơi. Đối với những ca nhẹ, bệnh nhân thường có triệu chứng như nhiễm siêu vi, tự khỏi sau 7 – 10 ngày.
Người nhiễm virút Hanta có là mối đe doạ cho cộng đồng không, thưa ông?
Không, vì virút Hanta không thể lây từ người sang người. Bệnh thường lây từ chuột sang người qua đường hô hấp, từ những giọt khí dung nước tiểu chuột, chứ hiếm khi lây do chuột cắn người. Nếu bước vào những nhà kho bỏ hoang lâu ngày, nhầy nhụa, có chuột sinh sống và phóng uế nhiều, người ta rất dễ nhiễm virút Hanta.
Có tỷ lệ nào cho biết bao nhiêu người nhiễm virút Hanta sẽ chuyển sang thể nặng hay không?
Chưa có tỷ lệ này vì ở nước ta bệnh nhân nhiễm virút Hanta rất ít và lẻ tẻ, không đủ số lượng để nghiên cứu. Tuy nhiên, bệnh lại không có thuốc ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi điều trị bệnh, bác sĩ chủ yếu dùng thuốc nâng đỡ thể trạng, nếu bệnh nhân có suy đa cơ quan thì áp dụng cách lọc máu, nếu suy hô hấp thì cho thở máy.
Ngoài bệnh do virút Hanta, chuột có thể gây bệnh gì cho người?
Chuột mang nhiều mầm bệnh khác nhau chứ không phải chỉ có virút Hanta. Phổ biến nhất là dịch hạch, bệnh lây qua trung gian bọ chét và chuột chết. Về bệnh dại, đây là bệnh mà ai cũng có thể mắc nếu bị động vật hoang dã cắn. Trước đây, người bị chuột cắn thường được khuyên chích ngừa dại và uốn ván, nay họ chỉ còn phải chích ngừa uốn ván vì y văn chưa ghi nhận ca bệnh dại nào trên chuột.
Ngoài ra, chuột còn mang một số loại ký sinh trùng, trong đó nguy hiểm nhất là ký sinh trùng Angiostrongylus Cantonensis gây viêm màng não, bệnh phổ biến hơn cả bệnh do virút Hanta gây ra. Ký sinh trùng này được chuột thải ra ngoài theo phân, sau đó chúng bám vào các loại rau xanh hay chui vào ốc cạn như ốc bươu. Khi ăn rau sống không rửa kỹ hay ăn ốc không luộc chín kỹ có thể nhiễm ký sinh trùng này và bị viêm màng não. Năm 2009 bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã điều trị hai ca bệnh này. Bệnh thường ở thể nhẹ, nhập viện 2 – 4 tuần thì tự hết.
Tuy nhiên, có ca lại rất nặng, bệnh nhân bị hôn mê và phải sống thực vật vĩnh viễn.
Khi bị chuột cắn, cần phải làm gì?
Nếu bị chuột cắn, phải chích ngừa uốn ván và theo dõi bệnh do virút Hanta gây ra. Do nhiễm virút Hanta có thời gian ủ bệnh đến 60 ngày, nên bệnh nhân phải được theo dõi suốt hai tháng, nếu không có biểu hiện gì mới yên tâm. Còn nếu có sốt cao, vàng da thì phải nhập viện ngay để điều trị kịp thời.
Không như người ta tưởng, chuột thật sự là mối đe doạ cho con người. Vậy làm thế nào để diệt chuột?
Cần triệt nguồn thức ăn và nơi ở của chúng. Trong bếp không để thức ăn thừa và vương vãi vì nếu có vào nhà chuột cũng không có gì để ăn. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, trong nhà không để những hóc kẹt, vì như thế, nếu chuột chui vào cũng không có chỗ để ở. Đây là hai cách hiệu quả nhất, không nên dùng hoá chất để diệt chuột vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và vật nuôi.
Theo Phan Sơn
Sài Gòn tiếp thị