Không nên ép trẻ đổi tay viết!

Những ngày đầu nhập học lớp 1, môn tập viết đã sớm trở thành nỗi ám ảnh của cậu bé Ng.B.K (6 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). Trước đó, bé K. đã nhiều lần mang truyện tranh đi theo hỏi bố mẹ “cái này nghĩa là sao, chữ này là chữ gì?” và mẹ bé cũng dạy viết chữ sơ qua cho cháu, xem đó như một thú vui.

 

Không nên ép trẻ đổi tay viết! - 1

 

Khoảng 3 tháng trước khi vào lớp 1, bé đã viết được các chữ cái rất đẹp và thành thạo bằng tay trái, mỗi tối đều hãnh diện đem khoe với mẹ những bài tập viết. Thế nhưng, khi vào lớp 1, cô giáo buộc bé phải đổi sang sử dụng tay phải như các bạn khác. Những đường nét trên cuốn tập viết trở nên nguệch ngoạc, yếu ớt và nhiều lần mẹ của bé nhìn thấy con khóc thút thít khi làm bài tập viết ở nhà. Thế rồi K. năn nỉ mẹ cho viết lại tay trái vì viết tay phải bé nhức đầu không viết được. Nghe vậy, lòng người mẹ càng lo.

Tình trạng trẻ bị bắt đổi tay viết vẫn còn xuất hiện tuy không nhiều, trong khi một số giáo viên lại khuyên phụ huynh không nên ép trẻ làm việc này. “Thực ra, tay nào thuận là do yếu tố tự nhiên quyết định, phụ thuộc vào bán cầu não ưu thế. Đây là vấn đề khoa học cho nên đừng ép trẻ đổi tay viết” - BS Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng Phòng khám Trẻ em và Bệnh viện ban ngày (thuộc BV Tâm thần TP HCM), khẳng định.

Theo BS Minh, hành động trái với khoa học này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tự nhiên của đứa bé. Hiện tượng một số bé kêu nhức đầu, mệt mỏi, khóc lóc... khi bị ép viết bằng tay không thuận có thể do bé cảm thấy công việc nặng nề quá sức mình.

Phần lớn trẻ bị bắt đổi tay viết rồi cũng sẽ thích nghi dần nhưng thường các em phải mất một thời gian dài và tất nhiên, sẽ phải trải qua không ít nhọc nhằn. Do mất quá nhiều thời gian và sức lực cho môn tập viết, trẻ có thể trở nên rất mệt mỏi, thiếu tự tin và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các môn học khác.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc đổi tay viết chẳng có tác dụng gì lớn trong khi những bất lợi khi bị ép phải thay đổi thói quen lại ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. “Thực ra, dù có đổi tay viết đi nữa thì trên thực tế các em vẫn cứ... thuận tay trái như thường. Theo bản năng, khi tập thể dục thể thao, cầm đũa hay sử dụng các vật dụng thường ngày, các em vẫn sẽ tìm về đúng tay thuận của mình” - BS Minh cho biết.

Theo Anh Thư

Người lao động