Khó nhận diện từng chủng cúm qua biểu hiện ban đầu

(Dân trí) - TS. BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, cho biết: các chủng cúm đều có chung biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người, tức ngực... Do vậy, để nhận diện chủng cúm phải dựa vào đặc điểm dịch tễ cũng như kết luận của xét nghiệm PCR.

Tử vong sau 2 ngày nhập viện 

Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: T.A
Bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: T.A

 

TS. BS Nguyễn Văn Kính cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân tới khám do cúm tăng khoảng 10% so với trước đó và lý do là do được tuyên truyền, người dân quan tâm đến bệnh cảnh cúm hơn.

 

Còn hiện BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 3 bệnh nhân dương tính với cúm A, trong đó một bệnh nhân đã được khẳng định dương tính với cúm A/H1N1, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.

 

Cụ thể, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 là nữ, 26 tuổi, ở Hà Nội. Hôm 13/4, bệnh nhân được chuyển đến viện trong tình trạng viêm phổi nặng và có biến chứng viêm cơ tim. “Sau 2 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đã khá hơn, không còn phải thở máy nhưng vẫn đang được thở ôxy”, TS Kính cho biết.

 

Đặc biệt, 1 bệnh nhân nam, 46 tuổi, ở Yên Bái nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương thâm nhiễm toàn bộ 2 bên phổi và dù được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng tamiflu nhưng bệnh nhẫn vẫn tử vong sau 2 ngày nhập viện. Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

 

Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cũng đang có một trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch, hiện đang phải thở máy, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Nam thanh niên này được chuyển đến từ Phú Thọ sau 3 ngày điều trị viêm phổi nhưng không đáp ứng, tình trạng khó thở ngày càng nặng lên.  

 

Coi trọng yếu tố dịch tễ

 

Theo TS Kính, các chủng cúm đều có chung biểu hiện, người bệnh ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người, tức ngực và có thể kèm theo viêm kết mạc. Do vậy, để nhận diện từng chủng cúm khác nhau phải dựa vào đặc điểm dịch tễ cũng như kết luận của xét nghiệm PCR. Trong đó, đặc điểm dịch tễ được xem trọng vì xét nghiệm rất đắt và nếu người bệnh không đồng ý thì cũng không có nguồn chi trả.

 

“Trước một ca nghi ngờ, chúng tôi luôn hỏi rõ yếu tố dịch tễ để xác định tìm cúm H1, H2, H5 hay H7”, TS Kính nói.

 

Cúm H1N1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác, có tỉ lệ tử vong nhất định. Tuy nhiên tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do cúm A/H1N1 rất thấp, chỉ khoảng 0,7%. Tức là phải có 1.000 ca bệnh mới có 7 ca tử vong, còn lại đa phần là lành tính, tự khỏi.

 

Vì thế, người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng trước những thông tin dịch cúm mà đổ xô đi khám, xét nghiệm nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. Khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất, để tránh mất đi “thời gian vàng” dùng Tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh giúp ức chế sự nhân lên và làm giảm lượng vi rút trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn.
 

 Cúm là bệnh lây qua đường hô hấp nên phương pháp phòng cúm quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thứ ba là thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang.

 
Hồng Hải