Khẩn trương rà soát người tiếp xúc gần với ca mắc bạch hầu tử vong

Nam Phương

(Dân trí) - Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây theo đường hô hấp. Cao Bằng vừa ghi nhận bé gái 11 tuổi tử vong, Bộ Y tế yêu cầu rà soát người tiếp xúc gần với ca bệnh này.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Để chủ động công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan, bùng phát, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Đồng thời, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần...

Khẩn trương rà soát người tiếp xúc gần với ca mắc bạch hầu tử vong - 1

Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bạch hầu (Ảnh: CDC Cao Bằng).

Các đơn vị cũng cần rà soát các trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu, tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, ưu tiên trước hết tại ổ dịch, các khu vực lân cận và tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Các cơ sở y tế cần đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị; hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo…

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị rà soát, đảm bảo hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch.

Ngoài ra, huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn…

Trước đó, ngày 23/11, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có kết quả xác định mẫu bệnh phẩm một trường hợp tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, dương tính với bạch hầu.

Đây là bé gái, tử vong vào ngày 21/11. Trẻ khởi phát bệnh từ ngày 14/11 với các triệu chứng ho, sốt, vẫn đi học bình thường, sau đó bệnh diễn biến nặng.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để phòng bệnh người dân cần lưu ý:

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

- Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

- Bệnh bạch hầu là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao.

Khẩn trương rà soát người tiếp xúc gần với ca mắc bạch hầu tử vong - 2