Khám bệnh kiểu... điện giật

“Thày” Tín phán bảo: Mỗi vị trí trên bàn tay tương đương một bộ phận trên cơ thể. Nếu cây bút sắt rà đến chỗ nào mà bị giật tức là bộ phận (tim, gan, phổi, cột sống…) của bệnh nhân có vấn đề. Điện giật càng nhiều thì người đó mắc càng lắm bệnh.

Khám bệnh kiểu... điện giật - 1

Nơi hành nghề khám bệnh của "thày" Tín nhưng thực chất là để bán thực phẩm chức năng
Điện giật 7 lần thòi ra... 7 bệnh  

 

Phòng khám của nữ “thầy thuốc” Hoàng Thị Tín là một căn biệt thự bề thế tại đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM

 

Nghe nói bà Tín hành nghề đã 9 năm nay, 2 năm nay bà mới tậu một chiếc máy rà soát kinh mạch của Trung Quốc có khả năng tìm ra bách bệnh (!?).

 

Trước cổng nhà không hề treo biển khám, chữa bệnh mà chỉ trưng biển hiệu Công ty Hoàng Tín Hảo (chuyên cung cấp các mặt hàng dinh dưỡng nhập khẩu và sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên).

 

Tôi được người làm dẫn vào phòng khách ngồi đợi vì “thầy” đang bận khám. Khoảng 5 phút sau,  người phụ nữ trung niên, ăn mặc sang trọng ngoắc tôi vào căn buồng ngăn bằng vách nhôm kính rộng chừng 3 mét vuông.   

 

Người phụ nữ cho biết mình chính là “thầy” Tín. Sau khi điều tra lý lịch và hỏi rõ tên người giới thiệu, “thầy” mới chịu khám cho tôi. Công cụ khám bệnh của “thầy” là một chiếc máy chẩn đoán huyệt vị hiệu Hào Hùng.

 

“Máy này nhập về từ Hồng Kông, mua hết 10 triệu đồng, chuẩn xác lắm. Khám ở bệnh viện mất cả ngày nhưng có chiếc máy này chỉ mất 2 phút. Máy có thể tìm ra các bệnh của cơ thể theo đường kinh lạc ở bàn tay.

 

“Thầy” Tín quảng cáo: “Tôi hành nghề khám bệnh giúp đời đã 9 năm nhưng 2 năm nay nhờ  cái máy này mà việc chẩn bệnh mau hơn, chính xác hơn”.

 

Tiếp đó, “thầy” Tín yêu cầu tôi tháo hết nhẫn, đồng hồ ra (có kim loại máy hoạt động không chính xác), sau đó tay trái đặt úp lên máy, tay phải đặt ngửa trên bàn.

 

Khi máy khởi động phát ra tiếng nhạc như đồ chơi con nít, “thày” cắm cây bút sắt vào máy rồi dùng đầu bút rà lên lòng bàn tay phải của tôi.

 

Bút rà đến đâu tôi bị… điện giật đến đó. Tuy nhiên, “thày” Tín trấn an: “Không sao, bị điện giật tức là có bệnh rồi đấy, ngồi yên để cô kiểm tra cho. Giật thế là còn nhẹ, nhiều người bệnh nặng khi khám bằng máy này còn bị giật tưng cả người cơ. Mỗi một vị trí trên bàn tay cháu tương ứng với một bộ phận trong cơ thể. Nếu chỗ nào bị giật tức là bộ phận đó của cháu có vấn đề”.

  

Tôi bị điện giật khiến cánh tay phải tê, nhức nhưng vẫn ráng ngồi yên cho “thầy”… bắt bệnh.

 

Kết thúc buổi khám, bà Tín phán tôi bị nóng gan, viêm họng, huyết áp, phong thấp, thoái hóa đốt sống lưng, cổ. Tóm lại, để tìm ra 7 căn bệnh tôi đã bị điện giật cả thảy 7 lần.

 

Miễn phí khám, chỉ phải mua... tảo xoắn chữa bách bệnh

 

Có bệnh nhân khác từ Đồng Nai cũng tìm đến đây khám bệnh. Người đàn ông tự xưng là bác sĩ nhưng vì nghe danh bà Tín nên tin tưởng (ông này cho biết giáo sư còn tìm đến khám huống hồ là mình). Tôi thấy bà Tín khám cho ông này rất nhanh, ít bị giật, bèn hỏi thì được trả lời vì ông ta ít bệnh hơn.

 

Đơn thuốc của tôi kỳ lạ lắm! Để chữa bao nhiêu bệnh nguy hiểm mà lại yêu cầu mua một lọ tảo xoắn và 1 lọ can xi. Lọ tảo xoắn có giá 325.000 đồng, còn lọ can xi giá 275.000 đồng.

 

“Trong tảo xoắn có chất diệp lục giúp đả thông kinh mạch. Người bị ung thư giai đoạn cuối nếu đi bệnh viện hóa trị chỉ sống được 3 tháng thì uống tảo thọ thêm được 2 năm. Người bị hẹp mạch máu não nhờ uống sản phẩm này mà tránh khỏi liệt nửa người”, bà Tín giải thích.

 

Trong phòng khám của bà bày một tủ kính toàn thực phẩm chức năng và các máy massage chăm sóc sắc đẹp.

 

“Cháu có thể mua tảo xoắn và can xi ở đây, còn tiền khám bệnh thì cô miễn phí. Cô làm phúc giúp đời thôi. Nhiều người ở vùng sâu, vùng xa nghèo khổ cũng tìm đến để khám bệnh vì cô làm từ thiện.

 

Cô thường đi công du khám bệnh trên toàn quốc, cứu được nhiều người lắm. Sắp tới cô sẽ truyền nghề cho trung tâm trẻ em tàn tật. Nếu ai muốn học nghề mà có tâm, không vụ lợi cô cũng sẽ truyền cho”, bà Tín nói.

 

Tôi thấy trên tường phòng khám treo những tấm ảnh bà Tín đang làm từ thiện, thậm chí còn có cả bằng khen của UBND Tỉnh Quảng Ngãi về việc bà khám bệnh giúp đời.

 

Danh thiếp của bà Tín không thể hiện là bác sĩ hay lương y mà chỉ ghi chức danh giám đốc công ty Hoàng Tín Hảo.

 

Sợ bị ép mua thuốc, tôi giả bộ đi rút tiền rồi “tháo chạy”.

 

 Ngoài phòng khách còn có vài phụ nữ ăn mặc quê mùa ngồi chờ khám. Một trong số đó cho biết nhờ có người môi giới nên tìm được đến đây.

 

Theo Thanh Huyền

Vietnamnet