1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hư thực bài thuốc bí truyền của tử tù

Một bài thuốc trị ung thư được cho là bí truyền của một tử tù đang được nhiều người bệnh săn tìm với những đồn thổi huyền bí.

Hư thực bài thuốc bí truyền của tử tù - 1

Ảnh minh họa
Theo phản ánh của bạn đọc Nguyễn Văn Sơn trong email gửi về, gần đây có một số người bán dạo trước cổng bệnh viện Ung bướu (TPHCM) rao bán một bài thuốc trị ung thư bí truyền. Theo lời những người bán, đây là bài thuốc của một tử tù người Hoa, trước khi chết, truyền lại. Bài thuốc đơn giản chỉ gồm hai vị là bạch hoa xà thiệt thảo và bán chi liên, mỗi thứ vài chục gram, sắc uống mỗi ngày.

 

Ông Sơn đã thử mua cho người thân đang điều trị ung thư ở bệnh viện Ung bướu uống nhưng vẫn thấy lo lắng. Để đáp ứng yêu cầu của ông Sơn và nhiều bạn đọc khác cũng đang muốn biết sự thật về bài thuốc này, chúng tôi giới thiệu bài viết của bác sĩ Huỳnh Ngọc Tựng, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về y học cổ truyền và cũng am hiểu khá tận tường cái gọi là “bài thuốc trị ung thư của tử tù”.

 

Ung thư ngày nay tuy đã có rất nhiều tiến bộ trong phát hiện và điều trị nhưng nói chung vẫn là căn bệnh khó trị, nhất là khi phát hiện trễ. Vì thế nhiều người bệnh, nhất là khi đã bị bác sĩ “chê”, chỉ còn cách bám víu vào các phương thuốc bí truyền hay gia truyền với hy vọng “còn nước còn tát”. Bài thuốc Bạch hoa xà thiệt thảo phối hợp với bán liên chi, được cho là để điều trị bệnh nham hay ung thư, xuất phát từ Hong Kong, Đài Loan. Nhập về Sài Gòn bán cho các bệnh nhân ung thư giàu có, ít nhất từ năm 1971. Từ năm 1972 đến nay, có rất nhiều sách nói đến bài thuốc này.

 

Trong quyển nhật ký Con đường tôi đi của dược sĩ Phan Bảo An, ông đã ghi nhận được 14 trường hợp bệnh nhân ung thư có dùng bài thuốc bạch hoa xà thiệt thảo và bán chi liên theo nhiều người mách bảo. Kết quả không một người nào khỏi bệnh. Toa thuốc này cũng không phải do Việt kiều ở Mỹ phổ biến về trong mấy năm gần đây mà đã có từ trước năm 1975. Vì vậy cái gọi là “toa thuốc bí truyền của tử tù” hay “những lá thư mách của Việt kiều” chỉ là những cách nói vống lên để cho có vẻ ly kỳ, nhằm bán được nhiều thuốc. Cũng giống như “bài thuốc đại bổ” cùng mấy chục vị thuốc bắc mà một người nào đó dùng thử thấy hay nên viết thư truyền bá làm phước cho mọi người.

 

Đứng trước một căn bệnh ngặt nghèo mà tây y đã chào thua, nếu có ai chỉ cho phương thuốc bí truyền nào đó, người bệnh rất dễ nghe theo. Để có một chút hy vọng sau cùng còn hơn là nghe thầy thuốc khuyên: “Về tìm món gì ngon ngon mà ăn đi kẻo không kịp…”. Có người ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp Osawa, có người uống lá đu đủ, người khác dùng sừng tê giác, dùng dầu mỏ quạ. Số khác thì dùng bài thuốc nói trên. Nếu bài thuốc nào đó không độc, rẻ tiền thì sử dụng để coi như dưỡng sinh thì cũng được nhưng người bệnh cần nhớ rằng việc gì đến sẽ đến, ung thư các loại, nếu để trễ cũng đành bó tay, dù là được điều trị bởi những thầy thuốc giỏi.
 

Một nghiên cứu dở dang

 

Theo nghiên cứu năm 1978 - 1979 của TS Nguyễn Thị Lâu, dược sĩ Phan Đức Bình, dược sĩ Nguyễn Thị Hằng (trường đại học Y dược TPHCM), nước sắc của cây cỏ bạch hoa xà thiệt thảo (hedyotis diffusa) có tác dụng ức chế sự phân bào của rễ tỏi trong ống nghiệm. Điều đó chứng tỏ bạch hoa xà thiệt thảo có khả năng kháng ung thư. Tuy nhiên muốn xác định chúng có tác dụng trị ung thư hay không, phải qua giai đoạn thí nghiệm trên súc vật và trên lâm sàng (trên cơ thể người bệnh). Tiếc là việc này nhóm tác giả chưa có điều kiện thực hiện.

 

TheoBS Huỳnh Ngọc Tựng

SGTT