Hơn 50% học sinh tiểu học thiếu vitamin D
(Dân trí) - Theo kết quả nghiên cứu SEANUTS về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Đông Nam Á, tỉ lệ học sinh tiểu học ở cả nông thôn và thành thị Việt Nam đều thiếu hụt vitamin D ở mức rất cao. Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen dinh dưỡng và chăm sóc lúc nhỏ.
Tình trạng thiếu vitamin D của học sinh tiểu học bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt
Theo kết luận của nghiên cứu này, trong số các vấn đề đáng chú ý như gánh nặng kép về dinh dưỡng; tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin A… thì thiếu vitamin D là 1 vấn đề sức khoẻ cộng đồng ở học sinh tiểu học Việt Nam.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, tỉ lệ thiếu vitamin D ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn và có sự khác biệt khá rõ giữa bé trai và bé gái ở thành thị.
Ở khu vực thành thị, tỉ lệ thiếu vitamin D cao nhất là ở trẻ gái (gần 60%) trong khi tỉ lệ thiếu vitamin D ở trẻ trai là gần 50%. Còn ở khu vực nông thôn, tỉ lệ thiếu vitamin D ở cả trẻ trai và gái là khá tương đồng, đều khoảng gần 47%.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc thiếu hụt vi chất nói chung và vitamin D nói riêng thường bắt nguồn từ khi trẻ còn trong bụng mẹ và trong những năm tháng đầu đời, liên quan nhiều với chế độ ăn và thói quen sinh hoạt.
TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người điều phối dự án SEANUTS, cho biết: “Nghiên cứu từ trước đến nay của chúng tôi cho thấy khẩu phần ăn thiếu vitamin D của người Việt rất cao nhưng nguồn vitamin D từ thực phẩm thực chất chỉ cung cấp được 20% nhu cầu của cơ thể còn lại 80% là từ ánh nắng mặt trời. Điều này cho thấy cần phải có những cảnh báo về thói quen ở buồng tối, không có lịch tắm nắng… trong quá trình chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, của nhiều bà mẹ hiện nay. Đây không phải là thói quen tốt cho sức khoẻ của trẻ nhỏ”.
“Và đối với những trẻ đã dùng thực phẩm giàu vitamin D, bổ sung vitamin D, tắm nắng đầy đủ mà vẫn xuất hiện tình trạng thiếu vitamin D thì cần phải đưa trẻ tới các chuyên khoa dinh dưỡng khám vì đó có thể là do 1 nguyên nhân thực thể khác”, TS Khanh nói.
Nghiên cứu này được thực hiện theo phương pháp cắt ngang (là nghiên cứu trong đó tình trạng mắc bệnh và tiếp xúc được đánh giá đồng thời ở 1 dân số và ở tại 1 thời điểm xác định) với số lượng đối tượng tham gia là 382 học sinh tiểu học từ 6-11 tuổi tại các trường tiểu học của 6 địa bàn (TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Quảng Bình, TP Huế, TPHCM và tỉnh Bến Tre) trong giai đoạn 2010-2012. Tất cả trẻ đều được cân, đo, điều tra khẩu phần, hoạt động thể lực và được lấy 1 mẫu máu tĩnh mạch để xét nghiệm nồng độ 25-Hydroxy vitamin D theo phương pháp HPLC.
Nghiên cứu này vừa được công bố tại Hội thảo Khoa học & Công bố Kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á do Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp cùng Hội dinh dưỡng Việt Nam và Viện FrieslandCampina tổ chức tại Ninh Bình ngày 2/3 vừa qua.
SEANUTS là tên gọi tắt của Khảo sát Tình trạng Dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á được tiến hành với quy mô lớn trên 16.744 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi tại 4 quốc gia Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Mục tiêu của SEANUTS là nghiên cứu toàn diện về tình trạng dinh dưỡng, chế độ và thói quen ăn uống, hoạt động thể chất, vi chất dinh dưỡng trong máu, đánh giá về sức khỏe xương, chức năng nhận thức… để từ đó cập nhật những thông tin mới nhất tình hình sức khỏe dinh dưỡng của trẻ em trong khu vực.
Riêng tại Việt Nam, nghiên cứu trên gần 3.000 trẻ ở 6 tỉnh cho thấy: gánh nặng kép về dinh dưỡng (suy dinh dưỡng và thừa cân – béo phì) tiếp tục là vấn đề cấp bách cần được can thiệp; tỉ lệ thiếu máu cao nhất là ở trẻ 6-24 tháng tuổi, tỉ lệ thiếu vi chất là gần 50%.... |
Trần Phương