Hơn 45.000 người Việt vào viện vì giun từ "thú cưng" chui vào da, gan, não
(Dân trí) - Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, có hàng chục nghìn người Việt phải vào viện vì bệnh lý do các loại giun sán mỗi năm. Đáng chú ý, việc gia tăng nuôi chó mèo làm thú cưng đã khiến bệnh giun đũa chó mèo hiện nay đang bùng nổ.
"Đây là bệnh có nguyên nhân do nuôi thú cưng, thường xuyên ôm ấp thú cưng. Khi ôm, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo", TS Cảnh thông tin.
Theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), chỉ riêng trong năm qua đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo.
Chuyên gia này ước tính, có khoảng 30.000 người nhiễm loại giun này được điều trị ở các cơ sở y tế khác trên cả nước mỗi năm.
Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người. Trong đó, bộ phận dễ gặp ấu trùng là gan, gây ra những tổn thương, những ổ áp-xe ở gan hay ấu trùng có thể đi vào tim, phổi, não… và gây ra hiện tượng dị ứng kéo dài.
70-90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Nhiều người lầm tưởng đi khám khắp các bệnh viện da liễu nhưng không tìm ra được nguyên nhân bệnh.
Như trường hợp của bà Đ., sinh năm 1959, sống tại Diễn Châu (Nghệ An) vào Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám trong tình trạng sút cân, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.
Bà Đ. đã đi khám ở bệnh viện tỉnh nhưng không phát hiện được căn nguyên gây bệnh.
Sau khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bà Đ. được làm xét nghiệm máu và phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm phân cho thấy bà nhiễm cả giun lươn.
Ở Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cũng ghi nhận nhiều trẻ có tình trạng chảy máu cam và xuất hiện bầm tím ở dưới da đến khám.
Trước đó, bố mẹ đã đưa đi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khám được hướng dẫn sang cơ sở này làm xét nghiệm, mới phát hiện nguyên nhân là do giun đũa chó, mèo đã làm tăng số lượng bạch cầu ái toan.
với ấu trùng giun đũa chó mèo, quá trình điều trị bệnh thường kéo dài và do những ảnh hưởng của thuốc điều trị lên chức năng gan, chức năng thận nên bệnh nhân buộc phải có sự theo dõi của các bác sĩ.
Theo thống kê từ Cục Thú y, cả nước hiện có 7,6 triệu con chó, mèo, nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).
Việc kiểm soát đàn chó, mèo ở nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh lây từ động vật sang người.
Từ thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm giun đũa chó mèo, những gia đình nuôi chó mèo phải vệ sinh, tắm rửa cho chó mèo thường xuyên; phải tẩy giun sán cho chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần; bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường.
Bên cạnh đó, cần tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, không thả rông chó mèo, rọ mõm chó mèo khi ra nơi công cộng.