1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người Việt chết vì bệnh dại nhiều nhất thế giới, chó mèo vẫn thả rông

Minh Nhật

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước.

Quản lý đàn chó mèo ở nơi công cộng chưa tốt và độ phủ vaccine phòng dại cho chó mèo thấp là 2 vấn đề nổi cộm khiến dịch bệnh dại diễn biến phức tạp.

Vấn đề này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

"Không có nước nào người chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam"

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm vẫn có 70 người chết vì bệnh dại, dù đã có đủ vaccine cho người và động vật.

Bệnh dại cũng là bệnh truyền nhiễm khiến nhiều người tử vong nhất tại nước ta.

Người Việt chết vì bệnh dại nhiều nhất thế giới, chó mèo vẫn thả rông - 1

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 (Ảnh: Minh Nhật).

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm, có đến 27 người chết vì bệnh dại. Tính từ năm 2013 đến nay, có 887 ca tử vong vì bệnh dại.

"Không có nước nào chết vì bệnh dại nhiều như Việt Nam", ông Long nhấn mạnh.

Chuyên gia này chỉ rõ tình trạng quản lý đàn chó mèo, lập kế hoạch tiêm/tiêm vaccine phòng dại trên động vật và truyền thông vẫn còn yếu kém ở nhiều địa phương.

Người Việt chết vì bệnh dại nhiều nhất thế giới, chó mèo vẫn thả rông - 2

Bản đồ tình hình bệnh dại năm 2023 (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó mèo. Với tổng đàn chó mèo lên tới 7,6 triệu con. Nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).

Mặc dù vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó mèo luôn được cung ứng đầy đủ, nhưng tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn rất thấp.

Theo ông Long, để đảm bảo phòng dịch, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó mèo phải đạt trên 80%. Tuy nhiên, hiện nay có địa phương tỷ lệ này chỉ đạt 10%. Do đó, đây là vấn đề rất nổi cộm.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thú y, trong năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng trung bình trên cả nước đạt 58% tổng đàn chó mèo:

- 22 địa phương (34,92%): Đạt từ trên 70% tổng đàn.

- 20 địa phương (31,74%): Đạt từ 50-<70% tổng đàn.

- 21 địa phương (33,33%): Đạt dưới 50% tổng đàn; trong đó có 7 tỉnh Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Hậu Giang, Quảng Nam có tỷ lệ tiêm phòng dưới 20%.

Năm 2024, 19 tỉnh đã triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại. Tổng số chó mèo được tiêm phòng là trên 554.000 con. Tỷ lệ tiêm phòng đạt trung bình 30% tổng đàn chó của các địa phương này.

"Kế hoạch phòng, chống bệnh dại của các địa phương (cấp tỉnh, phân cấp xuống cấp huyện) chưa đúng thời điểm, rất chậm, không sát thực tế, chưa đúng chỉ đạo của Trung ương.

Thông tin, tuyên truyền chưa có, rất yếu và thiếu, chưa sát thực tế, chưa hiệu quả; chưa dễ hiểu nhất là đối với người dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó do không có kế hoạch, chậm kế hoạch hoặc có nhưng không sát thực tế", ông Long chỉ rõ một số tồn tại.

800 tỷ đồng/năm cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca).

Người Việt chết vì bệnh dại nhiều nhất thế giới, chó mèo vẫn thả rông - 3

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Bộ Y tế)

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, trong 3 tháng vừa qua, đã phát hiện 56 ổ dịch dại trên chó, mèo tại 25 tỉnh, thành phố; phát hiện 86 con chó, mèo mắc bệnh dại và có 192 con chó, mèo chết và tiêu hủy.

Thống kê trong năm 2023, nước ta có 347 ca bệnh dại trên động vật (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 31 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022), nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).

Ông Hoàng Minh Đức thông tin, mỗi năm nước ta tiêu tốn đến 800 tỷ đồng chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại cho người. Ngoài ra, còn phải kể đến gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp.

Giá vaccine phòng bệnh dại tương đối cao (1,2-1,5 triệu/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa

Ông Đức cũng chỉ ra nguy cơ thiếu vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại trên người.

"Các công ty nước ngoài giảm cung cấp vaccine bệnh dại (vì lợi nhuận thấp), nên nhà cung ứng còn lại không kịp điều chỉnh tăng số lượng nhập. Bên cạnh đó số người đi tiêm phòng bệnh dại có xu hướng gia tăng", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

"Nhiều chó mèo ở chung cư không rọ mõm, chạy lung tung"

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lây từ động vật sang người như H5N1, bệnh dại.

Thứ trưởng Hương nhận định, công tác phòng chống bệnh dại gặp khó khăn chủ yếu ở công tác tổ chức thực hiện từ tuyến tỉnh đến huyện rồi đến xã.

Người Việt chết vì bệnh dại nhiều nhất thế giới, chó mèo vẫn thả rông - 4

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (Ảnh: Bộ Y tế).

Theo bà Hương, nếu các tỉnh không giao chỉ tiêu cho huyện, xã thì sẽ rất khó để đảm bảo thực hiện, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu thực trạng nhức nhối trong việc kiểm soát chó mèo ở nơi công cộng, cũng như công tác tuyên truyền về bệnh dại.

"Ở Hà Nội, ngay tại chung cư tôi đang sống, vẫn có nhiều chó mèo không rọ mõm, chạy lung tung", bà Hương dẫn chứng.

Bộ Y tế đánh giá, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y, mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên.

Đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng trong công tác này.

Để kiểm soát bệnh dại nói riêng và dịch bệnh lây truyền từ động vật nói chung, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng trong khâu tổ chức thực hiện.

Theo ông Tiến, ở các địa phương vẫn chưa quyết liệt, thực hiện nghiêm các công tác này, dù đã có chỉ đạo "nóng" từ Trung ương cũng như có đủ các căn cứ pháp lý.

Theo ông Tiến, không thể để mất bò mới lo làm chuồng. Các địa phương cần bố trí đầy đủ trang thiết bị, vaccine, hóa chất, các điểm tiêm phòng.

"Lượng gia cầm và chó mèo ở Việt Nam không lớn nhưng tỷ lệ tiêm rất thấp. Đây là vấn đề cần phải giải quyết triệt để", ông Tiến nhấn mạnh.