1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 10.000 ca mắc mới HIV mỗi năm, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030

Hồng Hải

(Dân trí) - Mỗi năm, Việt Nam có hơn 10.000 ca nhiễm HIV được phát hiện, khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. Để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, sự góp sức của các nhóm cộng đồng rất quan trọng.

Dịch AIDS đang được kiểm soát

Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định, Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu loại trừ dịch AIDS vào năm 2030.

Thông tin này được nêu tại Hội nghị thường niên nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng, do Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC), Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức BIDMC tổ chức ngày 7-8/9 tại Đà Nẵng.

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tích lũy đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 242.000 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (vào năm 1990), hiện là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV.

Hơn 10.000 ca mắc mới HIV mỗi năm, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 - 1

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết Việt Nam hướng tới loại trừ dịch AIDS vào năm 2030 (Ảnh: G.T).

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đánh giá, để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vai trò của các nhóm cộng đồng là rất quan trọng.

Ông Sơn cho biết, nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, gọi tắt là nhóm CAB, là một nhóm bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia.

Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) và hệ thống y tế để tăng cường "tiếng nói", sự tham gia của cộng đồng thông qua nhiều hình thức trong các dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.

Đến nay, 6 tỉnh thành (Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội) đã xây dựng nhóm CAB với 81 thành viên, hỗ trợ hơn 41 cơ sở y tế.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động của các nhóm cộng đồng như CAB có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Việt Nam chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Nói về vai trò của nhóm cộng đồng CAB, ông Minesh P Shah, Cố vấn trưởng Y tế Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam đánh giá, CAB là một trong những nhóm cộng đồng quan trọng đóng góp vào việc cải thiện dịch vụ liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS.

Hơn 10.000 ca mắc mới HIV mỗi năm, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 - 2

Ông Minesh P Shah, Cố vấn trưởng Y tế Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam (Ảnh: G.T).

CAB là minh chứng cho sự phối hợp giữa Chính phủ, cơ quan y tế và các tổ chức cộng đồng để cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc người có HIV/AIDS và đưa ra tiếng nói của cộng đồng. CAB cũng là mô hình hướng tới sự công bằng trong y tế.

Nhiều thành quả

Từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai, đến nay, các nhóm CAB của Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Theo đó, các nhóm CAB đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ cho những người có HIV điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV) tiếp cận các dịch vụ dùng thuốc, với 86-90% bệnh nhân HIV tham gia điều trị ở các dự án của mạng lưới có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện bệnh.

Bên cạnh đó các nhóm CAB hỗ trợ giảm kỳ thị trong cộng đồng; hỗ trợ để người có HIV được tiếp cận điều trị, chăm sóc tốt nhất.

Tại hội nghị, Đào Minh Tín, trưởng Nhóm Tư vấn và hỗ trợ cộng đồng Bình Dương (CAB Bình Dương) chia sẻ câu chuyện 10 năm gắn bó với các hoạt động liên quan phòng chống HIV/AIDS của mình.

Hơn 10.000 ca mắc mới HIV mỗi năm, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 - 3

Các nhóm CAB thảo luận các nội dung liên quan nhằm hỗ trợ tốt nhất khách hàng, người mắc HIV/AIDS (Ảnh: H.Hải).

Anh ví mình như "cá gặp nước" khi được giới thiệu mô hình CAB khi phòng khám tuyển dụng nhân viên. Bởi trước khi trở thành thành viên của CAB Bình Dương, anh đã có 10 năm tham gia các hoạt động cộng đồng hỗ trợ người có HIV/AIDS.

"Với CAB, đó là đại diện tiếng nói cho khách hàng, là cầu nối giữa nhân viên y tế với khách hàng, để khách hàng có cơ hội tiếp cận điều trị tốt nhất. Tôi nhận thấy đây là cơ hội hay, hỗ trợ tốt người bệnh nên đã nắm lấy, tham gia đến giờ", Tín chia sẻ.

Trong khi đó, với Nghĩa, một thành viên của CAB Bình Dương lại đến với nhóm rất tình cờ, khi anh đang phải nghỉ ở nhà vì tai nạn, thì đã được Tín giới thiệu làm cộng tác viên hỗ trợ phòng khám.

"Ngày nào mình cũng đến sớm trước 30 phút, đến nỗi các chị nhân viên y tế trêu "làm không lương mà sao tích cực vậy Nghĩa", nhưng với mình, hỗ trợ được mọi người lúc khó khăn, mình rất vui, thấy quãng đường đi làm 80km mỗi ngày như rút ngắn lại", Nghĩa chia sẻ.

Trong khi đó, cô gái tên Giang thuộc CAB Hải Phòng, dù mới tham gia được 1 năm, nhưng cảm xúc khi hỗ trợ được những bệnh nhân HIV/AIDS vẫn còn nguyên vẹn.

Giang chia sẻ, bệnh nhân HIV luôn mặc cảm, thậm chí không muốn gọi tên vì sợ người khác biết được, kỳ thị. 

Cô từng tiếp cận bệnh nhân nữ để hỗ trợ điều trị với muôn vàn khó khăn vì bệnh nhân sống khép mình, sợ sệt, nhất là sau cái chết của người chồng. Bệnh nhân này đến khi bị nấm lưỡi, rồi mắc lao... vẫn không dám đi điều trị. Nhưng sau khi được hỗ trợ, bệnh nhân đã dần tự tin, điều trị.

Hơn 10.000 ca mắc mới HIV mỗi năm, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 - 4

Các nhóm CAB thảo luận sôi nổi nội dung hỗ trợ giảm kỳ thị người có HIV/AIDS (Ảnh: H.Hải).

"Rất nhiều người từ chỗ thu mình, không dám tiếp xúc với ai, nay đã tham gia các hoạt động cộng đồng, tập thể dục thể thao, sức khỏe ổn định như người bình thường", Giang nói.

Ông Minesh P Shah bày tỏ sự đánh giá cao việc các thành viên nhóm CAB đã dành nhiều thời gian và công sức không mệt mỏi trong công tác phòng chống dịch HIV tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ của các tổ chức khác như Tổ chức BIDMC cùng hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

"Mô hình CAB ở Việt Nam độc đáo, bởi lấy tiếng nói cộng đồng là trung tâm cho dịch vụ và được CDC các tỉnh hỗ trợ", ông Minesh P Shah nói.

Tại hội nghị các đại biểu đã trình bày các tham luận về Mô hình CAB trong hệ thống y tế; Triển lãm Standee nhóm CAB; Chia sẻ thông tin về các sáng kiến từ mạng lưới học tập Đông Nam Á về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; Định hướng chiến lược của PEPFAR về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác cộng đồng-cơ sở y tế để đạt được công bằng y tế...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm