1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam có 250.000 người nhiễm HIV: Đối tượng nào chiếm 50% ca mắc mới?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 250.000 người nhiễm HIV. Đáng chú ý, có một nhóm đối tượng chiếm đến 50% số ca HIV được phát hiện năm 2020 và có xu hướng tăng rất nhanh.

Sáng 1/12, TPHCM đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 và ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (ngày 1 tháng 12).

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.

Việt Nam có 250.000 người nhiễm HIV: Đối tượng nào chiếm 50% ca mắc mới? - 1

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khi bệnh nhân ngừng uống thuốc ARV (thuốc kháng virus) sẽ làm cho HIV nhân lên, gây suy yếu hệ miễn dịch. (Ảnh: HCDC).

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020). 

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Theo đó, số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020).

Số MSM chiếm khoảng 50% người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Cá biệt, có tỉnh MSM chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.

Việt Nam có 250.000 người nhiễm HIV: Đối tượng nào chiếm 50% ca mắc mới? - 2

Bác sĩ tại TPHCM tư vấn các kiến thức về HIV cho người trẻ (Ảnh: HCDC).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, phân tích cho thấy gần 90% lây qua đường tình dục. Trong đó, lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%. 

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, TPHCM tập trung vào chủ đề "Chấm dứt dịch bệnh AIDS - Thanh niên sẵn sàng". Cụ thể, kết thúc dịch AIDS ở đây không có nghĩa là không còn người nhiễm và tử vong vì HIV/AIDS, mà phải không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (Hiện nay >10.000 ca/năm); Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (hiện nay ước tính 3,5 người/100.000 dân); Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).

Việt Nam có 250.000 người nhiễm HIV: Đối tượng nào chiếm 50% ca mắc mới? - 3

TPHCM đã tổ chức thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa - TelePrEP (Ảnh: HCDC).

Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên là việc làm cần thiết. Để thực hiện được điều này cần có sự góp sức của đoàn thanh niên các cấp, trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp, góp phần hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS.

Bên cạnh đó, trong Tháng hành động quốc gia năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS với chủ đề "Bình đẳng hóa". Qua đó, WHO kêu gọi các bên chung tay bình đẳng hóa khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu, đặc biệt là cho trẻ em, các nhóm đối tượng chính và bạn tình của họ.

Trước đó, Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Toàn diện & Trực tuyến dành cho cộng đồng LGBT đầu tiên tại Việt Nam cũng chính thức ra mắt.

Theo đó, mạng lưới chuyên gia Borderless từ Mỹ, Úc, Anh, Canada cung cấp nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe hơn, thông qua dịch vụ thăm khám online tại nhà hoặc phòng khám, dự án hy vọng sẽ góp phần nâng cao bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBT Việt Nam.

Các hoạt động dự án hướng tới gồm:

- Tập huấn chia sẻ về văn hóa, và lối sống của cộng đồng LGBT trên thế giới và khu vực châu Á.

- Cách tiếp cận và xây dựng niềm tin với bệnh nhân, nhất là với những người còn e ngại trong việc bộc lộ nhu cầu thực sự của họ.

- Cung cấp các chương trình về sức khỏe tình dục toàn diện kết hợp với các hướng dẫn y khoa mới nhất trên thế giới.

- Xét nghiệm và điều trị STI

- Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

- Chăm sóc HIV

- Tầm soát ung thư đặc hiệu với HIV

- Quản lý các trường hợp phức tạp bao gồm cả những người kháng trị cao

- Chăm sóc người chuyển giới (quản lý nội tiết tố, hỗ trợ tâm lý xã hội…).