Hơn 1000 người đăng ký hiến tạng trong ngày hội “Chung tay vì sự sống”

(Dân trí) - Ngày 19/12, tại Ngày hội truyền thông vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người "Chung tay vì sự sống 2015" đã có hơn 1.100 đơn đăng ký hiến tạng.

Tại ngày hội "Chung tay vì sự sống 2015" diễn ra tại Học viện Quân y, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y bày tỏ sự cảm động với những hành động nhân văn, hiến mô tạng để cứu những người suy tạng giai đoạn cuối.

Đã có hơn 1.100 đơn đăng kí hiến tạng, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Ảnh: Tú Anh.
Đã có hơn 1.100 đơn đăng kí hiến tạng, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Ảnh: Tú Anh.

Theo GS Đỗ Quyết, con số người cần ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, hàng chục nghìn người. Những người bệnh ấy mỗi ngày vẫn đang phải giành giật sự sống với tử thần và tử vong bất cứ lúc nào nếu không có nguồn tạng hiến.

Thế nhưng trên thực tế, số người được ghép tạng từ nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn rất hạn chế. GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, với 1 người không may chết não, nguồn tạng hiến có thể cứu hàng chục người, từ tim, gan, thận, giác mạc, phổi....

Vì thế, thông qua chương trình này, Bộ Y tế, Học viện Quân y kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội không phân biệt giới tính, tôn giáo, vùng miền, địa vị chính trị hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng để có thể mang lại cơ hội cứu sống nhiều người bệnh; đăng ký hiến thi thể cho khoa học vì sự phát triển bền vững của nền y học nước nhà.

Trong chương trình, mục tiêu đặt ra lần đầu tiên xác nhận kỉ lục 1.000 người đăng ký hiến mô, tạng và đã đạt con số 1.100 đơn xin hiến.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu vận động, lan tỏa được việc hiến tặng mô, tạng ra khắp mọi miền đất nước thì hành động nhân văn này sẽ ngày càng có nhiều người ủng hộ, vừa giúp cứu chữa những bệnh nhân suy tạng, vừa giúp nghiên cứu, phát triển nền y học Việt Nam ngày càng phát triển, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.

Tại chương trình, chị Phạm Thị Tuyết (Hải Phòng) - một người hiến tạng cho biết bản thân chị đã hiến thận cứu người. Sau này nếu không may có rủi ro về sức khỏe, bị chết não, chị tự nguyện hiến toàn bộ thân thể của mình cho nghiên cứu khoa học. Chị cũng đã động viên chồng đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để tìm hiểu và đăng ký hiến tạng.

Trong chương trình, sự xuất hiện của nhiều người suy tạng trước kia sống héo hắt như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào nay được thay tạng, khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường khiến nhiều người cảm động, nhận thức được ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng. Vì thế, chỉ trong một buổi sáng phát động, số lượng đơn xin hiến tạng đã vượt qua con số ban đầu đặt ra.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: “Phật giáo có khái niệm bố thí và hiến tạng cũng là một trong những mong mỏi của chúng tôi. Phật giáo chia làm hai loại tài sản là vật chất và sự sống. Việc hiến tạng cũng là một cách để thực thi phật pháp”.

Hồng Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm