1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiến tạng - Món quà hồi sinh sự sống

(Dân trí) - Hơn 30 câu hỏi về thủ tục ghép tạng, những quyền lợi của người hiến tạng, những bệnh tật liên quan với hiến tạng đã được PGS.TS Đồng Văn Hệ và ThS. Nguyễn Hoàng Phúc và ThS. Trần Minh Tuấn trả lời chi tiết.

Mời bạn đọc theo dõi Giao lưu trực tuyến TẠI ĐÂY .


TBT Phạm Huy Hoàn (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa khách mời PGS.TS Đồng Văn Hệ (ngoài cùng bên phải) và ThS. Nguyễn Hoàng Phúc (thứ 3 từ phải sang)

TBT Phạm Huy Hoàn (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa khách mời PGS.TS Đồng Văn Hệ (ngoài cùng bên phải) và ThS. Nguyễn Hoàng Phúc (thứ 3 từ phải sang)

Dưới đây là những câu hỏi và giải đáp đáng chú ý nhất:

Hương - Nữ 32 tuổi: Nhiều người thân không đồng ý cho tạng vì muốn người chết được toàn thây, làm thế nào để thay đổi quan niệm này?

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Liên quan đến vấn đề chết toàn thây, câu chuyện đã được đặt ra từ năm 2004-2005, khi Ban soạn thảo dự án Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy giác đã phải trả lời câu hỏi trước Chính phủ, Quốc hội về vấn đề này.

Theo đó, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, bản chất đây là quan niệm mang chiều sâu tâm linh. Chính vì thế, khi tiếp xúc với các hòa thượng, các đại đức, chư tăng và các linh mục - là những người có thẩm quyền nói về lĩnh vực tâm linh trong Phật giáo, Thiên chúa giáo,vv thì được biết, không có một tôn giáo nào nói về chết phải toàn thây. Không có tôn giáo nào phản đối việc hiến tạng, mô tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, vì mục đích nhân đạo, cứu chữa người bệnh.

Ngược lại, các tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng vô vụ lợi như là một nghĩa cử cao đẹp của tình thân ái, yêu thương và đó cũng chính là hành động bố thí Ba la mật trên hành trình tâm linh của mỗi con người. Quan niệm về chết toàn thây thực chất là quan niệm có xuất xứ từ Nho giáo xa xưa mà thôi.

Vừa rồi trong hội vận động Hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, đích thân Hòa thượng Thích Gia Quang - PCT TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và linh mục Phan Khắc Từ - PCT UB Đoàn kết công giáo VN, đã được bầu vào làm PCT Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người VN. Và đấy cũng chính là sự ủng hộ cao nhất của các tôn giáo đối với vấn đề hiến tạng, mô tạng. Đích thân Hòa thượng Thích Gia Quang và Linh mục Phan Khắc Từ cũng đã đăng ký hiến tạng, mô tạng sau khi chết, chết não.

Hàng ngàn người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang sống mỏi mòn như ngọn đèn dầu trước gió và rất nhiều người trong số đó đã không thể chờ đợi vì không có nguồn tạng hiến. Trong khi đó, mỗi một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống cùng lúc cho 8 - 10 người.

Hồng Hà - Nữ 47 tuổi: Tôi xin hỏi, ai cũng có quyền hiến tạng nhưng nếu chết do tuổi già thì tạng hiến đó có được sử dụng?

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Đây là 1 câu hỏi rất hay, được nhiều người quan tâm. Nhiều người cho rằng, nếu tôi bị bệnh, hoặc tôi chết vì tuổi già thì mô tạng của tôi sẽ không lấy, ghép  được, vậy việc đăng ký là không có ý nghĩa.

Tuy nhiên, bản chất ở đây là thuộc về ý thức. Điều quan trọng nhất là bạn có sẵn sàng đăng ký hiến tạng, mô tạng sau khi chết, chết não hay không.

Việc đăng ký hiến tạng thể hiện ý nguyện sẵn sàng trao tặng một phần cơ thể của mình nếu không may chết, chết não. Còn việc lấy được để ghép hay không lại là chuyện của ngành y tế, chuyện chưa xảy ra.

Chúng ta ai cũng biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật của tự nhiên, sinh có hẹn, tử bất kỳ, không mấy ai biết lúc nào mình ra đi. Chính vì vậy, việc đăng ký hiến tạng hôm nay sẽ là cơ sở để chúng ta xác lập ý chí mạnh mẽ của việc hiến tạng nếu không may qua đời.

Trên thực tế, có thể tạng sẽ không lấy được ở những người chết do tuổi già, tuy nhiên giác mạc hoàn toàn có thể tiếp nhận được. Như vậy sẽ góp phần đem lại ánh sáng cho những người mù do bị hỏng giác mạc. Tương tự như vậy, da, xương hoặc xác... vẫn có thể tiếp nhận được.

Lê Hồng - Nữ 50 tuổi: Tôi 50 tuổi, đã gần về hưu và sức khỏe rất ổn định. Tôi nghĩ tôi có thể sẵn sàng cho một bệnh nhân nào đó một quả thận nếu chứng kiến cuộc sống cơ cực gắn liền với bệnh viện của họ. Vậy khi tôi hiến thận, BHYT có chi trả khoản phẫu thuật lấy thận của tôi không?

PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Về mặt luật pháp, sau khi bạn hiến thận, bạn sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đến suốt đời và được chăm sóc y tế theo quy định của luật pháp.

Khi bạn đến một cơ sở y tế để hiến thận cho một bệnh nhân thì cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm giúp đỡ về các khoản chi phí khi thực hiện phẫu thuật lấy thận và chăm sóc sau giai đoạn hiến.  

 

Vân Hương - Nữ 27 tuổi: Xin hỏi bác sĩ sau ghép tạng và dùng thuốc chống thải ghép có sinh con được không?

ThS. Trần Minh Tuấn, BS Trung tâm Ghép tạng bệnh viện Việt Đức:

Sau ghép tạng, dùng thuốc thải ghép bệnh nhân hoàn toàn có thể sinh con. Tuy nhiên trước khi có ý định mang thai, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ  để tiến hành kiểm tra, chọn thời điểm thích hợp nhất để mang thai.

Bệnh nhân cũng sẽ được chuyển sang dùng các loại thuốc chống thải ghép và các thuốc khác ít ảnh hưởng đến thai nhi. Trên thực tế, tại BV Việt Đức, nhiều bệnh nhân sau ghép thận đã mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Phương Nam - Nữ 27 tuổi: Có nên bỏ quy định một người đã đăng ký hiến tạng thì khi không may bị chết não không cần sự đồng ý của gia đình mà có thể hiến tạng dựa trên bản đăng ký từ trước, vì rõ ràng họ tự nguyện đăng ký khi tỉnh táo.

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Cái này đã được quy định rất rõ trong luật hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người hiến, lấy giác. Bất kỳ 1 người nào đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tạng, mô tạng khi còn sống hoặc sau khi chế, chết não.

Như vậy, trong quy định của pháp luật, không bắt buộc phải có sự đồng ý của gia đình trong việc đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên trên thực tế, trên thế giới nói chung cũng như VN nói riêng đều khuyến cáo việc khi đăng ký hiến tạng nên chia sẻ với gia đình để có sự đồng thuận cao nhất. Bởi nếu ko có sự đồng thuận của gia đình, khi người đăng ký hiến tạng chết não, ko ai báo cho cơ sở y tế biết để lấy tạng. Hoặc gia đình sẽ phản đối. Như vậy tâm nguyện đăng ký hiến tạng, mô tạng sau khi chết, chết não sẽ không được thành tựu như ý nguyện.

nguyen thi thai - Nữ 63 tuổi: Người đóng bảo hiểm tự nguyện liên tục sau 5 năm khi ghép thận phải chi trả tổng bao nhiêu cho ca ghép thận này? Xin cảm ơn chương trình!

ThS. Trần Minh Tuấn, BS Trung tâm Ghép tạng bệnh viện Việt Đức:

Chi phí trung bình một ca ghép thận từ 200 - 300 triệu. Trong đó, BHYT chi trả một phần theo quy định. Những danh mục ngoài chi trả của BHYT bệnh nhân sẽ phải đóng góp.

Lê Minh - Nam 59 tuổi: Hiến tạng là có ích cho cả bản thân mình và người bệnh chờ. Xin hỏi địa chỉ đăng ký và thủ tục. Tôi 59 tuổi thì tạng còn có ích cho ai?

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người:

Hiến tạng là hành động có ích cho cả bản thân và xã hội - Hoàn toàn chính xác! Việc hiến tạng, mô tạng không chỉ có lợi cho người bệnh cần ghép mô tạng như một món quà hồi sinh sự sống lần thứ hai mà còn góp phần giúp cho cơ sở y tế giảm quá tải khi có hàng trăm ngàn người bệnh đang phải lấy bệnh viện làm "nhà"; góp phần giảm sức ép lên quỹ BHYT khi phải thanh toán phần lớn chi phí điều trị cho người suy mô tạng. Ngoài ra, chính việc hiến tặng mô tạng hoặc đăng ký hiến tặng mô tạng mang lại hạnh phúc, niềm vui to lớn cho người hiến tạng bởi đó là một hành động vô cùng cao đẹp, thấm đẫm tính nhân văn luôn mong muốn mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng loại khi còn sống hoặc ngay cả khi đã giã từ cuộc đời.

Nếu bạn muốn đăng ký hiến tạng, mời bạn tới các cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô tạng để đăng ký hiến như BV Việt - Đức, BV Bạch Mai, BV Quân y 103, BV TƯ Huế, BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 2, BV 115,...

Ngoài ra bạn có thể đến thẳng Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tại 40 Tràng Thi - Hà Nội (tầng 2 nhà C2 - Khoa khám bệnh BV Việt - Đức. SĐT: 0915060550; e-mail: gheptang@vncchot.com) để đăng ký hiến tạng. khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não; trường hợp nếu ở xa bạn có thể gửi mẫu đơn đăng ký hiến tạng, mô tạng sau khi chết, chết não kèm 1 ảnh 3x4 và bản sao CMT hoặc hộ chiếu về Trung tâm để được tư vấn, cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng.

Hoặc bạn có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào nơi gần nhất để bày tỏ nguyện vọng và sẽ được hướng dẫn đăng ký hiến tặng mô tạng.

Bất kỳ người nào khi đăng ký hiến tạng khi còn sống đều được kiểm tra, đánh giá chặt chẽ về mặt pháp lý và đặc biệt là các thông số y sinh học; nếu đủ điều kiện bảo đảm về sức khỏe thì mới có thể lấy và ghép tạng được. Về nguyên tắc, không ai lấy tạng của người hiến mà làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người hiến. Đó cũng là vấn đề y đức mà bất kỳ một cán bộ y tế nào cũng xuyên suốt.

Hiến tạng - Món quà hồi sinh sự sống - 2

Những ngày qua, câu chuyện về lá gan, trái tim của một người trẻ tuổi chết não hiến tạng vượt hành trình 1.700km ra Hà Nội cứu sống một người suy tim, một người suy gan khiến cộng đồng cảm động.

Chưa khi nào, phong trào ủng hộ hiến tạng khi không may có những rủi ro về sức khỏe lại mạnh mẽ đến thế. Chưa khi nào bạn đọc lại chia sẻ mong muốn được biết về thủ tục hiến tạng, bày tỏ mong muốn được hiến tạng khi không may gặp vấn đề về sức khỏe lại nhiều đến vậy...

Cộng đồng đồng cảm với hàng nghìn bệnh nhân đang sống mỏi mòn bởi suy tạng. Bởi tại Việt Nam, nhu cầu thực tế của người cần ghép tạng rất cao. Hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị bệnh suy thận mạn tính cần được ghép. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; Hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được cứu sống vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm. Rất nhiều người bệnh đã nhắm mắt, xuôi tay sau thời gian dài mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, bởi không có nguồn tạng hiến.

Sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc. Trong đó, 90% các ca ghép tạng tại Việt Nam đang được thực hiện từ nguồn cho là người sống, trong khi tại nước ngoài, 90% tạng ghép từ người cho chết não. Thực tế này đã hạn chế rất nhiều cơ hội cho những người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng – phương pháp cuối cùng giúp họ “hồi sinh” khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngay tại BV Việt Đức (Hà Nội) mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới chỉ vận động được 500 người hiến tạng, trong đó có 13 người đăng ký hiến khi còn sống.

“Nỗi đau của một gia đình không may mất đi người thân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là một nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của những người suy tạng mòn mỏi chờ chết cũng như dao cứa vào trái tim người bệnh, thân nhân người bệnh khi nhìn thấy cái chết được báo trước nhưng không có phương pháp nào, có phép màu nào mang lại cuộc sống cho họ. Vì thế, hãy biến đau thương thành hành động. Một người thân không may mất đi nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống. Hãy mở lòng, sẵn sàng đăng ký hiến tạng nếu không may chết não, nhắm mắt xuôi tay”, một bác sĩ chia sẻ.

“Không có phép màu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, làm việc và cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Trong khi đó, một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống 8-10 người. Nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam hiện rất lớn song nguồn tạng hiến lại quá hạn chế. Làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều người bệnh được “hồi sinh” nhờ phương pháp đặc biệt này?

Vì sao nguồn mô, tạng tại Việt Nam lại thiếu trầm trọng? Vì sao dù làm chủ kỹ thuật ghép tạng nhưng hơn 20 năm qua Việt Nam mới ghép được hơn 1.000 ca, chỉ bằng số lượng ca ghép trong 1 năm của các nước; Tại sao sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, mà cho đến hiện nay trong cả nước mới chỉ có hơn 1000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não….

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về ngành ghép tạng của Việt Nam, giải đáp chi tiết những thắc mắc về thủ tục hiến, ghép tạng cũng như chế độ chính sách, vấn đề liên quan đến hiến tạng, báo Dân trí phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức giao lưu trực tuyến “Khi sự sống được sẻ chia”.

Thời gian: Bắt đầu từ 9h30 ngày 1/12/2015

Các khách mời tham gia gồm:

PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

ThS. Trần Minh Tuấn, BS Trung tâm Ghép tạng bệnh viện Việt Đức

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi TẠI ĐÂY.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm