1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hội chẩn qua mạng xã hội, cứu bé sơ sinh 10 giờ tuổi nguy kịch

(Dân trí) - 05h30 sáng ngày 20/7, BS Nguyễn Thanh Hải (khoa Tim mạch, BV Nhi Trung ương) nhận được tin nhắn facebook của một bác sĩ Nhi của BV Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình) về một ca sơ sinh phức tạp, muốn xin số bác sĩ hội chẩn.

Nhờ hội chẩn qua facebook với bác sĩ tuyến Trung ương, các bác sĩ đã tìm ra bệnh lý của em bé 10 giờ tuổi.
Nhờ hội chẩn qua facebook với bác sĩ tuyến Trung ương, các bác sĩ đã tìm ra bệnh lý của em bé 10 giờ tuổi.

Ngay lập tức, BS Hải đã nhắn lại số điện thoại của mình cho người đồng nghiệp chưa từng biết mặt. Theo như chia sẻ của nữ đồng nghiệp, đây là bé sơ sinh mới được 10 giờ tuổi. Sau khi sinh, bé được tiêm vắc xin viêm gan B khoảng 2 tiếng đồng hồ thì đột ngột tím tái. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, thở máy… nhưng diễn biến bệnh nhi ngày càng nặng hơn, nguy kịch. Người nhà hoang mang, lo lắng cho rằng nguyên nhân có thể do vắc xin.

Bác sĩ BV Việt Nam – CuBa đã gửi đến bác sĩ Hải hình ảnh chụp X-quang của bệnh nhân qua facebook.

“Đây là hình ảnh duy nhất mà bác sĩ có được. Sau khi bàn bạc, chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng về một bệnh tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc ống động mạch.. .”, BS Hải nói.

Không lâu sau đó, chẩn đoán này được khẳng định, và ngay lập tức bệnh nhân được chuyển viện. Hành trình chuyển viện cấp cứu trên chặng đường gần 400 km trong sự căng thẳng tột cùng của nhân viên y tế và gia đình bệnh nhi đến BV Sản - Nhi Đà Nẵng.

Cùng thời điểm này, một ê kíp BS đã bay 700 km từ Hà Nội vào Đà Nẵng để cùng đồng nghiệp can thiệp. Sau 4 tiếng can thiệp tim mạch, bệnh nhi được cứu sống, “hóa giải” nỗi oan cho vắc xin.

Hình ảnh hội chẩn được gửi qua Zalo tới BS BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hình ảnh hội chẩn được gửi qua Zalo tới BS BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Một trường hợp khác, xảy ra ngay tại Hà Nội hồi cuối tháng 6/2016. Một bệnh nhân nữ 64 tuổi nhập viện điều trị 2 tuần với biểu hiện sốt cao đùng đùng sau chuyến du lịch. Sau 2 tuần sốt, bệnh nhân xuất hiện suy gan, suy thận, viêm phổi phải thở máy, lọc máu nhưng tình trạng vẫn nặng hơn.

“Tôi được đồng nghiệp chia sẻ về trường hợp này qua zalo. Chúng tôi đã cùng hội chẩn, bàn bạc, gửi thêm hình ảnh về bệnh nhân, các xét nghiệm. Khi nhìn thấy một thương tổn của người bệnh ở ngay dưới vùng cổ, chúng tôi xác định bệnh nhân nhiễm ricketsia, suy đa tạng”, BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ.

Đây là một bệnh lý do bị côn trùng đốt thường có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, trong khi các vết đốt thường nhỏ và khó phát hiện nên phần lớn bệnh nhân không được chẩn đoán đúng ngay từ đầu, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác. Đa số bệnh nhân đến viện sau khi đã bị sốt dai dẳng cả chục ngày, điều trị tại nhà hoặc qua một số bệnh viện nhưng không khỏi. Mặt khác, ngay cả khi phát hiện có vết đốt của côn trùng thì đa số bệnh nhân cũng có tâm lý chủ quan vì cho rằng côn trùng đốt không quá nguy hiểm và chỉ khi bệnh tiến triển nặng mới đi khám. Cũng vì thế, không ít trường hợp bị côn trùng đốt khi vào viện đã bị các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.

Với kết quả hội chẩn này, đồng nghiệp đã tiến hành điều trị theo kháng sinh đặc hiệu với ricketsia, tình trạng người bệnh được cải thiện ngay.

BS Cấp chia sẻ thêm, thời gian gầy đây các bác sĩ nhận nhiều chia sẻ của đồng nghiệp, bác sĩ bệnh viện về những ca bệnh khó cần hội chẩn qua facebook, zalo. Hình ảnh được truyền tải ngay, nói chuyện, thảo luận trực tiếp về tình hình của bệnh nhân, giúp các bác sĩ cùng đưa ra một chẩn đoán chính xác nhất.

Hay như trên diễn đàn Bác sĩ nội trú, các bác sĩ khi gặp ca bệnh khó đều đưa các thông số, diễn biến người bệnh, các kết quả xét nghiệm nhưng lại… giấu chẩn đoán để các bác sĩ, sinh viên nội trú trong diễn đàn tham gia thảo luận.

“Đây là một cách học rất hay, có những bệnh cùng triệu chứng, chỉ khác nhau rất ít trên kết quả xét nghiệm lâm sàng, nếu không để ý sẽ chẩn đoán nhầm ngay. Khi được thảo luận cụ thể về các ca bệnh, “thấm” rất lâu, rất sâu khó mà quên được”, một bác sĩ trong diễn đàn chia sẻ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm