Hoang mang vì “dính” bầu sau tiêm phòng rubella

(Dân trí) - Sợ rơi vào tình cảnh như nhiều bà mẹ đứt ruột bỏ đi giọt máu đã thành hình hài vì mắc rubella khi mang thai, nhiều bạn trẻ đã chủ động đi tiêm phòng vắc-xin. Nhưng không ít người vừa tiêm về mới biết “dính” bầu, hoặc tiêm chưa tròn tháng đã mang thai…

“Hội chứng” tiêm phòng rubella

Nói về tình trạng này, PGS.TS Lê Anh tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ gọi nó là “hội chứng”, bởi trung bình một tuần bệnh viện tiếp nhận từ 5-10 trường hợp thai phụ đến khám, xin tư vấn vì lỡ đi tiêm vắc-xin rubella khi vừa mang thai mà không biết, hoặc tiêm về chưa tròn tháng đã mang thai.

Ngồi đợi tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh để đăng ký xin tư vấn, chị S.P.B (19 tuổi ở Nghệ An) nước mắt ngắn nước mắt dài vì phải bỏ thai do trước đó tiêm phòng rubella mà không biết là đang có bầu. Ở thời điểm thai chị được 7 tuần, 4 ngày, bác sĩ khuyên chị nên theo dõi thêm vì vi-rút trong vắc-xin phòng rubella đã giảm độc lực, mức ảnh hưởng cũng không nặng nề như mắc rubella bình thường. Tuy nhiên, khi thai được 19 tuần tuổi, hình ảnh siêu âm cho thấy thai chỉ tương ứng 14 tuần. Bác sĩ tư vấn nguy cơ và để sản phụ tự quyết định. .

Một trường hợp khác là chị L.K.M (Đống Đa, Hà Nội) đi tiêm phòng khi vừa sạch kinh và rồi có bầu luôn. “Trước khi cưới 2 tuần mình mới đi tiêm phòng rubella vì cũng muốn “kế hoạch” 1 thời gian. Đi tuần trăng mật về, có thấy chậm kinh nhưng nghĩ do có nhiều xáo trộn trong cuộc sống khiến vòng kinh thay đổi. Đến 20 ngày sau mình mới thử thì thấy có thai. Soi lại lịch tiêm chủng, mình hoảng hồn vì đã mang bầu khi chưa tiêm được tháng. Khi đi khám, bác sĩ bảo theo dõi thêm, nhưng đến khi thai được 12 tuần đi siêu âm màu 4D, bác sĩ nói thai của mình chỉ tương đương 8 tuần tuổi. Dù rất đau lòng, nhưng mình không dám mạo hiểm nên đành viết đơn xin phá thai”, L.K.M (Đống Đa, Hà Nội) cho biết. Hay trường hợp của P.T.T.H (Việt Trì, Phú Thọ) mẹ tiêm phòng sau khi sạch kinh 6 ngày và cũng có thai 7 tuần…

Khi tiêm vắc xin tam liên sởi - quai bị - rubella, người tiêm luôn được khuyến cáo sau 3 tháng mới nên có thai, hoặc tối thiểu phải một tháng. Vì phải bằng đó thời gian, vi-rút mới dần giảm độc lực và đảo thải hết ra khỏi cơ thể, cơ thể cũng đã sinh kháng thể chống lại bệnh rubella. Đó là lý do vì sao những thai phụ như chị M. chị H. vô cùng hoang mang, lo lắng.

“Trước khi đến bệnh viện Phụ sản TƯ, hầu hết các thai phụ này đã đi tới nhiều phòng khám sản để tư vấn vì bác sĩ khuyên bỏ, bác sĩ lại khuyên theo dõi. Khi thai phụ đến đây, chúng tôi cũng tư vấn cho thai phụ về những rủi ro khi mang thai khi tiêm phòng chưa đủ 1 tháng hoặc tiêm phòng khi đã có thai. Còn việc quyết định là của sản phụ và không ít người đã lựa chọn quyết định bỏ thai vì an toàn, PGS Tuấn nói.

Không nhất thiết phải phá thai

Trước băn khoăn, lo lắng và nhiều thai phụ quyết định bỏ thai vì lo con dị tật do độc lực trong vắc-xin chưa được đào thải hết khỏi cơ thể, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: Thai phụ không không nhất thiết phải phá thai trong những trường hợp này.
 
Hoang mang vì “dính” bầu sau tiêm phòng rubella - 1
Dù thực tế không có thai phụ nào có nguy cơ dị tật khi tiêm vắc-xin trong thời kỳ mang thai, nhưng chỉ định tốt nhất vẫn là chỉ nên
mang thai sau 1 tháng tiêm vắc xin rubella
 

“Về nguyên tắc, phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin rubella vì đây là vắc-xin sống giảm độc lực, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi dị dạng bẩm sinh giống như nhiễm vi-rút rubella. Tuy nhiên trên thực tế không có bằng chứng về vấn đề này. Qua theo dõi 1.000 phụ nữ mang thai đã tiêm vắc-xin rubella trong thời kỳ đầu mang thai mà không biết mình đã mang thai cho thấy: không ai sinh con bị dị dạng bẩm sinh. Do đó, nếu có thai trong vòng 1 tháng tiêm vắc-xin và thậm chí tiêm khi đang mang thai ở tháng đầu tiên cũng không có ảnh hưởng đến thai nhi và không có chỉ định nạo phá thai mà chỉ nên thường xuyên đi khám để được tư vấn và chăm sóc tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển nói.

“Bởi lẽ, bản chất vắc-xin là những chế phẩm sinh học được làm từ chính vi sinh vật hoặc từ một phần cấu trúc đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi. Vắc-xin rubella chứa thành phần vi-rút rubella nhưng độc lực của nó không thể lớn như vi-rút rubella từ môi trường.
 
Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyên nên tiêm vắc-xin Rubella 1 tháng trước khi có dự định mang thai. Vắc-xin rubella là an toàn và có hiệu quả phòng bệnh cao. 95-100% phát triển kháng thể sau 3-4 tuần sau khi tiêm vắc-xin”, TS Hiển giải thích thêm.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm