1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hết cảnh bỏ thai oan vì sợ rubella!

(Dân trí) - Chứng kiến cảnh các bé bị hội chứng rubella bẩm sinh như mắc bệnh tim, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển trí tuệ… thực đau lòng nhưng có nên bỏ thai hay không lại là câu trả lời không dễ đối với bác sĩ, thai phụ và người nhà bệnh nhân.

Di chứng nặng suốt đời

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện phụ sản TƯ cho biết, từ đầu năm tới nay, khoa sơ sinh của viện tiếp nhận 28 trẻ bị rubella bẩm sinh, trong đó 24 trẻ sống, 4 tử vong. Cả 28 em nhỏ này đều có cân nặng dưới 2,4kg (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ nhẹ nhất là 900gr. 100% các bé được sinh ra trong tình trạng thiểu ối và cạn ối, ngay sau sinh xuất huyết dạng nốt và giảm tiểu cầu. Nhiều trẻ có số tiểu cầu thấp dưới 50.000, phải truyền khối tiểu cầu nhiều lần và kéo dài dai dẳng. Tất cả các bé đều trong tình trạng thiếu máu rất nặng. Ngoài ra, những trẻ này còn mắc thêm nhiều bệnh trọng khác, đặc biệt là dị tật tim - dị tật nặng nề nhất với trẻ. Cụ thể 7/28 trẻ có bệnh lý về tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch... và những dị tật tim khác có thể phát hiện ra khi bé lớn hơn. 
 
Hết cảnh bỏ thai oan vì sợ rubella! - 1
Một bé sơ sinh mắc hội chứng này điều trị tại kho Sơ sinh (bv Phụ sản T.Ư). Ảnh: H.Hải
 
Đó là ở trẻ sơ sinh, còn với những trẻ lớn hơn thì sao? Một nghiên cứu của các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn về 4 trường hợp mắc hội chứng rubella bẩm sinh cho thấy, cuộc sống của những trẻ lớn hơn cũng là tối ngày ở bệnh viện do suy dinh dưỡng trong thời kỳ bào thai và mang những dị tật bẩm sinh rất nặng nề.
 
Như trường hợp em N.T.L.Đ (bé gái) sau sinh đã có bất thường bẩm sinh (đầu nhỏ, mắt nhỏ, đục thủy tinh thể). Em cũng bị tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, còn ống động mạch), bị tổn thương não, điếc cả hai bên tai… Đến khi em được 3 tuổi 6 tháng (tại thời điểm nghiên cứu), em cũng chỉ nặng 9,8kg, chưa thể tự đi. Dù phẫu thuật đục thủy tinh thể lúc 6 tháng tuổi nhưng nay vẫn phải đeo kính hơn 14,5 đi ốp. Em cũng đã phải trải qua cuộc đại phẫu thuật mổ tim thắt ống động mạch lúc 4 tháng tuổi. Thân hình gầy gò dường như bị chèn nặng hơn bởi cặp kính cận và hai máy trợ thính. Em cũng không biết nói, nghe, hiểu rất hạn chế.

3 bé còn lại cũng bị điếc, đục thủy tinh thể, tim bẩm sinh, tổn thương não… khiến việc chăm sóc, điều trị cho các bé gặp rất nhiều khó khăn.

Tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 3 tháng

BS Tuấn cho biết, đại đa số trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh tại viện đều do mẹ không phát hiện được nhiễm rubella khi có thai. Sau khi sinh, hồi cứu lại cho thấy có người sốt, có người phát ban, có người không hề có dấu hiệu điển hình của rubella.

Trong khi đó, căn bệnh này với mọi đối tượng thì không có nguy cơ, riêng với thai phụ cực kỳ nguy hiểm vì nếu thai phụ nhiễm vi-rút rubella trong 3 tháng đầu thì có tới 70-100% trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh. Mà căn bệnh này lại quá dễ lây lan, có những thai phụ tuy không hề có dấu hiệu lâm sàng nhưng đã nhiễm bệnh do sống trong môi trường có nguy cơ cao.

Như trường hợp của thai phụ T.T.T.L (Hải Dương) thai 19 tuần tuổi đang được theo dõi mẹ nhiễm rubella tại viện cho thấy, thai phụ này không hề sốt, không hề phát ban. Nhưng khi thai được 5 tuần tuổi, chị có tiếp xúc với trẻ bị sốt. Bệnh nhân này chắc chắn sẽ phải trải qua cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giữ - bỏ thai vì xét nghiệm của bệnh nhân thể hiện có mắc rubella nhưng không biết ở thời điểm nào, nên không xác định được nguy cơ dị tật của thai nhi.

“Ngay cả khi có xét nghiệm, có siêu âm hình thái thai (chỉ bắt được một số dị tật ở giai đoạn thai lớn), rồi cả phương pháp chọc dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi-rút rubella bằng kỹ thuật PCR real - times cho kết quả thai nhi có bị lây nhiễm rubella từ mẹ chính xác tới 95% thì vẫn còn đó 5% rủi ro. Hơn nữa, đây chỉ là những biện pháp tình thế, khi sự đã rồi, mẹ đã mắc bệnh, trong khi đó tiêm vắc-xin cho hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối thì chưa được chú trọng”, TS Tuấn nói.

Theo TS Tuấn, “đỉnh” của dịch rubella trên thai phụ hồi tháng 6 nhưng nay vẫn có rất nhiều thai phụ mắc rubella đến khám. Với hơn một nghìn ca phải phá thai vì mẹ nhiễm rubella, con số đó quá lớn, đã đến lúc cần phải tiêm phòng cho tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Về lâu dài hơn, nên tiêm vắc xin cho tất cả trẻ gái. Đó là cách tốt nhất để không bỏ nhầm thai nhi, thai nhi không bị dị tật bẩm sinh.

Nếu tiêm phòng trước khi mang thai thì cần ghi nhớ, sau 3 tháng mới nên có thai. Còn khi đã có thai thì tuyệt đối không được tiêm chủng, vì vắc-xin rubella là loại vắc-xin sống, chỉ giảm độc lực, thường sản xuất dưới dạng “tam liên” cùng với các vắc-xin phòng sởi và quai bị, có thể gây tác động xấu tới thai nhi.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm