Ho khạc đờm, khó thở- dấu hiệu của bệnh hô hấp nguy hiểm

Nam Phương

(Dân trí) - Ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá… khiến tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam tăng cao. Biểu hiện ban đầu đơn giản là ho khạc đờm kéo dài, khó thở khi leo cầu thang, làm việc nặng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Hen phế quản đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp mọi cố gắng trong chẩn đoán, điều trị và nỗ lực trong quản lý.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Hơn 90% các ca tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 nó sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. 

Ho khạc đờm, khó thở- dấu hiệu của bệnh hô hấp nguy hiểm - 1
Đi viện khám vì khó thở, ông Vũ Văn Liệu, 56 tuổi, ở Thái Bình được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi. Một nghiên cứu của nhóm các Bác sĩ gia đình châu Á nhận định tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. 

Tương tự, với bệnh hen phế quản theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Hàng năm có khoảng 250.000người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển. 

Phó giáo sư Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, thực tế yỷ lệ tuân thủ điều trị của bệnh nhân là hơn 50%, một số sau một đợt điều trị nghĩ khỏi bệnh thì không điều trị tiếp.

Nhiều bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính gặp các biến chứng nặng như tràn khí màng phổi, suy tim, suy hô hấp..., phải thở máy. Có những bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, quá trình điều trị phức tạp, chi phí tốn kém.

Ho khạc đờm, khó thở- dấu hiệu của bệnh hô hấp nguy hiểm - 2
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị biến chứng tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen phế quản đều là bệnh cần được theo dõi, điều trị định kỳ. Chi phí cho một đợt cấp khi vào viện, ít là 5-15 triệu đồng, nhiều có thể lên đến 70-80 triệu, trong khi một hộp thuốc cho một tháng chỉ có 1 triệu. Với số tiền chi cho điều trị, bệnh nhân có thử sử dụng thuốc dự phòng trong nhiều tháng, thậm chí là cả đời”, PGS Hạnh nói.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sớm nếu thấy có dấu hiệu ho khạc đờm thường xuyên (2 tháng trong 1 năm và 2 năm liên lục), khó thở khi làm việc nặng, leo cầu thang, leo dốc...

Ngày 28/9, Bệnh Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2016-2020 Dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Dự án đã phủ sóng tại 63 tỉnh trên cả nước vào năm 2016. Hệ thống quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được xây dựng dọc từ trung ương xuống các tuyến quận/huyện. Đến thời điểm hiện tại toàn quốc có 219 phòng quản lý bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. 

Các chuyên gia kỳ vọng trong tương lai Việt Nam có thể quản lý tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.