3 triệu người chết mỗi năm vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

(Dân trí) - Con số trên được đưa ra tại hội thảo khoa học hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu (16/11/2005) do Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.

Theo PGS.TS Ngô Thế Châu, Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý rất thường gặp với tần suất ngày càng tăng lên. Theo nghiên cứu của Khoa, có tới 25,3% trong tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa giai đoạn 1996 - 2000 mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những năm tiếp theo, số người mắc bệnh này không ngứng tăng lên với tỷ lệ là 26% (giai đoạn 2000 - 2004).

 

Đặc biệt, tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở thành phố cao hơn nhiều so với các vùng khác. Ở Hà Nội, tỷ lệ những người từ 40 tuổi trở nên mắc bệnh này là 6,8% trong tổng số dân nội thị. Còn ở các khu công nghiệp, nhà máy lớn, tỷ lệ người mắc bệnh này là 7,1%.

 

Đây là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. Thế giới có hơn 600 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có tới hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Thế nhưng nhiều bệnh nhân hay nhầm lẫn các dấu hiệu của bệnh, cứ cho rằng đó chỉ là triệu chứng của cảm cúm thông thường, vì vậy, đa phần trong số họ đến bệnh viện khám trong giai đoạn muộn, khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng.

 

Hồng Hải