“Hiểm họa” suất ăn công nghiệp đầu độc người lao động

(Dân trí) - Thức ăn không đảm bảo gây ra ngộ độc hàng loạt, phản ánh tác hại tức thì song ngộ độc mãn tính mới là hiểm họa khôn lường cho người lao động.

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến 148 công nhân đang làm việc tại công ty Terratex Việt Nam đóng trên địa bàn quận 12, TPHCM tuần qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng suất ăn công nghiệp không đảm bảo. Điều đáng nói hơn, vụ ngộ độc trên không phải xảy ra lần đầu tại công ty này bởi trước đó vào năm 2007, hơn 200 công nhân đã phải nhập viện cấp cứu sau bữa cơm trưa; đến tháng 10 năm 2011 thêm 171 công nhân của công ty cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thức ăn.

Ngộ độc thực phẩm đang để lại hậu quả khôn lương cho người lao động
Ngộ độc thực phẩm đang để lại hậu quả khôn lương cho người lao động

Theo phản ánh của chị N.T.H. công nhân từng gánh chịu hai vụ ngộ độc tại công ty Terratex Việt Nam vào năm 2011 và vụ ngộ độc xảy ra ngày 05/3 vừa qua thì: “Suất ăn của công ty khi ký hợp đồng lao động với công nhân có mức giá hiện tại là 12.000 đồng song thực tế bữa cơm của chúng tôi rất nghèo nàn. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này đến lãnh đạo của công ty, mỗi lần như vậy bữa ăn chỉ cải thiện được ít ngày rồi đâu lại vào đó. Tình trạng cơm sống, thức ăn có mùi ôi thiu… xảy ra không ít nhưng chán cảnh kêu than mọi người đành nhắm mắt nuốt cho qua cơn đói để tiếp tục làm việc”.

Được biết, công ty Terratex có nhà ăn riêng nhưng thuê một đơn vị độc lập tổ chức nấu ăn cho công nhân. Sau khi xảy ra vụ ngộ độc vào năm 2011, công ty này đã đổi đơn vị làm bếp nhưng chưa được bao lâu thì hàng loạt công nhân lại trúng độc từ chính bữa ăn trong công ty. “Mỗi lần đến bữa ăn tôi luôn có cảm giác sợ. Dù nghĩ rằng mình đang sử dụng những đồ ăn không đảm bảo nhưng buộc phải chấp nhận, không ăn thì không có sức làm việc”, Chị L.T.B. cho biết.

Theo thống kê của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố, năm 2011 trên địa bàn xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Tổng kết năm 2012 tiếp tục xảy ra 5 vụ ngộ độc tại 8 công ty khiến 582 công nhân nhập viện. Điều tra nguyên nhân xảy ra ngộ độc trong năm 2012, Chi cục xác định 2 vụ ngộ độc xảy ra là do E.coli; 1 vụ nghi ngờ do Histamin trong món cá ngừ; 2 vụ không rõ căn nguyên. Dù thành phố đã ra quy định cấm dùng cá ngừ trong chế biến suất ăn công nghiệp nhưng vì lợi nhuận nhiều công ty vẫn bất chấp sự nguy hại tiếp tục bắt công nhân sử dụng.

Suất ăn công nghiệp rẻ mạt là nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc
Suất ăn công nghiệp rẻ mạt là nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc

Theo phân tích của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố, Các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây xảy ra rất bất thường, không liên đến yếu tố mùa, thời tiết. Ngoài những nguyên nhân như điều kiện chế biến, vận chuyển không đảm bảo tiêu chuẩn thì mức giá nguyên liệu ngày càng tăng là yếu tố trực tiếp dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Hiện vẫn còn một số nơi suất ăn có mệnh giá khá thấp từ 7.000 đồng đến 12.000 đồng mỗi suất (đã bao gồm VAT). Cơ sở nấu ăn muốn có lời phải chọn những nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, không an toàn nên rất dễ dẫn tới ngộ độc. Số vụ ngộ độc cấp tính phải nhập viện cấp cứu chỉ phản ánh tác hại tức thì của thức ăn không đảm bảo chất lượng. Liên tục tiếp nhận thức ăn chứa nhiều độc chất lâu ngày còn dẫn tới một hiểm họa khôn lường hơn chính là tình trạng ngộ độc mãn tính với tác nhân gây hại cho sức khỏe lâu dài.

Chất độc trong thức ăn tích tụ trong cơ thể gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá các chất, rối loạn hấp thụ khiến dẫn đến tình trạng suy nhược. Nguy hiểm hơn các chất độc có thể biến đổi tế bào và gây ung thư. Trước hiểm họa khó tránh khỏi đối với bản thân từ những bữa ăn hàng ngày tại công ty, người lao động chỉ còn biết trông chờ vào lòng “trắc ẩn” của các chủ doanh nghiệp, các đơn vị cung cấp suất ăn.

Vân Sơn