Hệ thống y tế đối mặt với thách thức chưa từng có trong lịch sử
(Dân trí) - Theo PGS Lương Ngọc Khuê, biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hệ thống y tế phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh Covid-19 và gây hậu quả nghiêm trọng. Số ca bệnh trên cả nước tăng rất nhanh với trên 133.000 ca nhiễm mới. Hiện có trên 400 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực); 21 ca điều trị ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).
"Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng. Đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, tổng số ca tử vong của cả nước đã hơn 1.000", PGS Khuê cho biết.
Theo PGS Khuê, hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Bên cạnh đó, việc chuyển người bệnh nặng về các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TPHCM có nguy cơ làm tăng lây lan dịch bệnh vào khu vực nội thành và người bệnh có xác suất tử vong cao trên đường vận chuyển.
Vì vậy, theo PGS Khuê các trường hợp nặng này cần được điều trị ngay tại địa phương với sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên hoặc các chuyên gia đầu ngành.
Năng lực hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu
Theo khảo sát năm 2021, cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực. Tuy nhiên số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao.
Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Có nơi có giường hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ôxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở… Điều này gây khó khăn cho Bộ Y tế trong việc huy động, điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ, phân bổ máy móc, vật tư, trang thiết bị, tài chính… cho các địa phương, PGS Khuê cho biết.
Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, lọc máu, đặc biệt là ECMO chỉ một số ít bệnh viện làm được… Khi có ca bệnh nặng thường chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội và TPHCM.
Về nhân lực, cả nước có trên 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu/hồi sức tích cực, nhưng nhiều địa phương đang rất thiếu. Ví dụ một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cả tỉnh chỉ có một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ hồi sức tích cực.
"Năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực ở nhiều địa phương vừa yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng với kịch bản biến chủng "siêu lây nhiễm". Nhân lực trình độ cao chuyên khoa hồi sức tích cực ngày càng giảm, nhiều bác sĩ đã chuyển sang chuyên khoa khác", PGS Khuê nói.
Lập 12 trung tâm hồi sức tích cực quốc gia
Vì thế, để có thể đáp ứng việc điều trị các ca Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới thì cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng. Bộ Y tế đã xây dựng đề án thiết lập 12 trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, để tập trung nguồn lực, chuyên gia, người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.
"Bộ Y tế tập trung từ Tư lệnh ngành cho đến lãnh đạo các Vụ, Cục và 10 đồng chí Giám đốc các bệnh viện trung ương về TPHCM để tập trung sức lực, gấp rút thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực. Thời gian không chỉ là vàng bạc mà còn là tính mạng của người bệnh. Các trung tâm này sớm đón người bệnh ngày nào thì thêm người bệnh được cứu sống ngày đó", PGS Khuê nhấn mạnh.