Hậu quả khôn lường khi trẻ “nghiện” ti vi

Các chương trình ti vi, trò chơi điện tử hay phim hoạt hình có thể khiến con bạn say sưa, ngồi im hàng tiếng đồng hồ, bởi vậy nhiều phụ huynh dùng đến cách đó để yên tâm làm việc nhà mà không lường hết được những ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe của trẻ.

Tăng khả năng mắc bệnh

Một cuộc khảo sát về thói quen sống trên 8.800 người trưởng thành của các nhà khoa học Australia cho thấy, nguy cơ tử vong sớm ở những người hay xem ti vi cao hơn so với người bình thường. Theo đó, thêm một giờ xem ti vi thì nguy cơ chết vì bệnh tim mạch tăng thêm 18%; nguy cơ chết vì ung thư tăng thêm 11% và vì bệnh khác tăng thêm 9%. Đặc biệt, đối với trẻ, việc xem ti vi quá độ còn tác động mạnh tới hệ thần kinh và tim mạch. Nhiều người quan niệm sai lầm rằng, xem TV là hình thức để thần kinh tạm lắng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi xem ti vi, não bộ vẫn phải hoạt động để xử lý thông tin và phản ứng lại bằng cảm xúc. Ngoài ra, xem ti vi quá nhiều có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên tới 14% cho mỗi 2 tiếng ngồi trước màn hình.

Một kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Vương quốc Anh ở hơn 3.000 trẻ từ 1 đến 11 tuổi cũng cho thấy, trẻ xem ti vi từ 2 tiếng trở lên hoặc nhiều giờ liên tục trong một ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp đôi so với những trẻ xem ti vi dưới 2 tiếng/ngày.

Rối loạn thói quen
sinh hoạt

Rối loạn thói quen sinh hoạt

Ánh sáng từ ti vi sẽ kích thích não hoạt động và làm hạn chế khả năng sản xuất hormone có tên melatonin – vốn có tác dụng giúp cơ thể ngủ ngon. Trong khi đó, melatonin lại được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm, khi cơ thể đang ngủ và được thư giãn hoàn toàn. Vì thế, hạn chế cho trẻ xem ti vi quá muộn. Ngoài ra, xem ti vi quá nhiều còn gây xáo trộn sự cân bằng tự nhiên, dẫn đến hậu quả là trẻ bị mệt mỏi và ngủ không sâu giấc, làm rối loạn thói quen nghỉ ngơi của cơ thể.

Tăng nguy cơ béo phì

Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị béo phì nếu dành nhiều thời gian để xem ti vi. Ngồi hàng giờ trước màn hình ti vi sẽ làm chậm khả năng trao đổi chất của cơ thể, khiến chất béo được dự trữ nhiều hơn thay vì bị đốt cháy.

Suy giảm khả năng tập trung, chú ý

Những hình ảnh chuyển động quá nhanh và sự thay đổi âm thanh thường xuyên được cho là có hại cho trẻ nhỏ. Đối với những trẻ đang ở tuổi chập chững biết đi, cứ một giờ say sưa bên chiếc ti vi sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn tập trung lên 10% cho đến khi các em đủ tuổi đến trường, Tiến sĩ Frederick Zimmerman đến từ Đại học Tổng hợp Washington khẳng định. Đặc biệt, những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe tâm thần sẽ khiến trẻ hiếu động quá mức gây thiếu tập trung, thái độ bốc đồng và hành vi bạo lực...

Làm chậm sự phát triển của hệ thần kinh

Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng xem ti vi không có lợi cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ nhỏ cần phải được học hỏi nhiều hơn thông qua việc tương tác với mọi người xung quanh thay vì chỉ dán mắt vào màn hình ti vi. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, không nên xem ti vi quá 2 tiếng mỗi ngày.

Gây áp lực cho mắt

Mắt sẽ hoạt động quá tải và bị căng thẳng nếu trẻ xem ti vi liên tục trong một thời gian dài, từ đó gia tăng các bệnh nhãn khoa. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý không để trẻ xem ti vi trong phòng tối, thiếu ánh sáng quá lâu. Hơn thế, thói quen nằm xem ti vi thực sự khiến mắt bị căng thẳng bởi góc tiếp cận với tivi không tốt. Thường xuyên xem tivi trong tư thế này gây suy giảm tầm nhìn của bạn.

Làm giảm sự tương tác với xã hội

Quá nhiều tiếp xúc với bạo lực trên TV và trong phim ảnh, video âm nhạc, game và máy tính có thể làm trẻ giảm sự nhạy cảm với bạo lực. Kết quả là, trẻ em có thể học cách chấp nhận hành vi bạo lực như là một phần bình thường của cuộc sống và là một cách để giải quyết vấn đề. Vì xem ti vi nhiều nên trẻ không còn thời gian ưu tiên cho những hoạt động tương tác với bạn bè, khiến trẻ trở nên ức chế về mặt cảm xúc. Việc thiếu khả năng thể hiện cảm xúc theo cách lành mạnh có thể dẫn tới những rắc rối về tâm lý như thường có tâm trạng thất vọng hoặc có những hành vi gây hấn.

Theo Minh Khánh

An ninh thủ đô