Hành trình chiến đấu với ung thư của bố tôi
(Dân trí) - Sau hành trình chiến đấu với ung thư của bố tôi, tôi rút ra được rằng: bệnh nặng hay nhẹ quan trọng ở tinh thần, hãy lạc quan, tin vào y học phát triển hiện đại, tin vào đội ngũ y bác sĩ.
Các bạn thân mến!
Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện: "Bố tôi đã vượt qua căn bệnh ung thư như thế nào?"
Vào ngày 2/5/2020, bố tôi nói bố bị đau bụng dữ dội, mấy anh chị em tôi liền đưa bố lên bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để kiểm tra. Và rồi bố nhập viện cấp cứu ngay vì bị bục dạ dày và phải cắt bỏ cả phần ruột thừa. May mắn cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Thông thường mổ dạ dày hay ruột thừa thì chỉ 5 đến 7 ngày là được xuất viện, còn bố tôi đã hơn 10 ngày rồi mà vẫn chưa được về nhà khiến ai trong gia đình cũng cảm thấy lo lắng.
Thời gian này tôi mới sinh em bé nên không ở lại bệnh viện chăm sóc cho bố được, tôi ở nhà mà lòng bất an. Đêm ngày 12/5/2020 tôi nhận được cuộc gọi từ em gái, em gái tôi vừa đi gặp bác sĩ điều trị cho bố về. Bác sĩ nói bố tôi có một khối u ác tính trong dạ dày. Người tôi như lặng đi sau những lời thông báo từ em gái, suốt đêm đó tôi không thể chợp mắt, cổ họng tôi nghẹn lại, nước mắt tôi rơi lã chã. Tôi hiểu rằng bác sĩ nói có một khối u ác tính điều đó có nghĩa là bố tôi đã bị ung thư dạ dày. Nhưng bác sĩ phải nói thế để người nhà đỡ sốc. Vì khi tôi mới ra trường, lớp tôi chủ nhiệm cũng có một học trò bị u não ác tính, nên tôi cũng đã từng tìm hiểu về ung thư. Anh em chúng tôi tạm thời giấu chuyện này với bố và đợi kết quả kiểm tra chính xác từ bác sĩ.
Rồi không lâu sau đó, bố tôi được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tại đây, bố tôi được sinh thiết lại lần nữa và đợi kết quả sau một tuần. Trong một tuần đó, anh chị em chúng tôi thật sự rất căng thẳng vì không biết phải nói với bố như thế nào? Phản ứng của bố sẽ ra sao? Bố có bị sốc và suy sụp tinh thần không khi biết mình bị ung thư hay không? Dù sao thì cũng phải đối diện với sự thật dù bằng cách này hay cách khác. Trong lúc mấy anh chị em tôi đang rối bời thì bố tôi lại trấn an chúng tôi rằng: "Có K hay L gì thì bố cũng không sợ, vì sống tới giờ là bố mãn nguyện rồi!". Ôi, bố tôi! Một người luôn suy nghĩ tích cực và sống lạc quan. Bố tôi cảm thấy mãn nguyện vì chúng tôi đã trưởng thành, ông có cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Ước nguyện của bố là được thọ đến 70 tuổi và dự đám cưới của 2 đứa em tôi. Khi nghe bố nói thế mà tôi thấy nghẹn ngào.
Sau một tuần, bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của bố tôi đã ở giai đoạn 3B. Điều đó có nghĩa cơ hội sống của bố tôi là rất thấp. Những người xung quanh nói với chúng tôi rằng, ông già rồi nên đưa ông về có miếng gì ngon thì cho ông ăn, đưa ông đi du lịch cho thoải mái rồi uống thêm thuốc nam thôi, thì ông còn sống thêm ít nữa, chứ đừng hóa trị hay xạ trị gì cả mà tội ông. Vì có thể ông không đủ sức khỏe để vào thuốc và có thể chết vì hóa trị chứ không phải vì ung thư. Tôi hiểu rằng đó không phải là lời đe dọa, mà họ lấy từ thực tế người thân của họ để chia sẻ chân thành cho anh em chúng tôi. Lúc đó, thực sự anh em chúng tôi rất hoang mang và sợ rằng nếu cho bố hóa trị thì có thể ông sẽ chết giống như những người kia nói. Còn nếu không cho bố đi hóa trị thì sợ rằng bố nghĩ mấy mẹ con vì tiếc tiền mà không hết lòng chạy chữa cho ông. Nhưng sau khi bàn bạc, bố và anh em chúng tôi quyết định tin vào khoa học, đặt niềm tin vào bác sĩ và theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Vì chúng tôi tin rằng y học hôm nay sẽ khác y học ngày hôm qua.
Tinh thần chiến đấu bệnh tật của bố mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bố tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến này. Thế là bố vào thuốc hóa trị lần một. Bố nói với chúng tôi rằng, bố vẫn ổn và như thế này thì có thể chiến đấu được. Và rồi, bố bị rụng hết tóc sau 2 lần hóa trị. Mỗi lần vào thuốc là bố tôi mệt mỏi, nằm mê man cả ngày, đắng miệng, ăn không có cảm giác, nhưng bố tôi vẫn cố gắng ăn để uống thuốc. Nhìn bố tôi nhắm mắt nhắm mũi nuốt từng thìa cháo khổ sở nhưng vẫn cố ăn hết một chén. Dù mệt lả nhưng đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày bố tôi đều dậy tập thể dục và đi bộ, tôi nhận ra rằng bố tôi khao khát được sống đến nhường nào.
Bố tôi bị mất vị giác trong 2 tuần đầu sau khi vào thuốc, sau đó tình trạng khá hơn 1 tí thì lại đến đợt vào thuốc tiếp theo. Cứ 21 ngày bố tôi lại vô thuốc một lần. Ở lần thứ 5 vào thuốc hóa trị liều cao, bố tôi dường như bị ngừng thở, nước mắt bố tôi chảy ra. Khi nghe em gái tôi báo về như thế, lòng tôi quặn thắt, thầm nghĩ nếu bố tôi có mệnh hệ gì thì tôi phải làm sao? Vì đang trong giai đoạn ở cữ nên tôi chưa chăm bố ở bệnh viện được ngày nào cả, tôi cảm thấy vô cùng đau đớn và bất lực. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện bố tôi sẽ chết khi đang trong quá trình chuyền thuốc vì không đủ sức. Khi tôi đang cảm thấy ân hận vì đã không nghe những lời khuyên trước đây của mọi người thì em gái tôi báo về, bố đã ổn hơn và có thể tiếp tục chuyền thuốc. Tôi thầm cảm ơn vũ trụ đã cho bố tôi sức mạnh, biết ơn bố vì đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Một số người có chia sẻ với anh em chúng tôi là người ung thư không nên cho ăn uống những chất bổ dưỡng, vì như thế tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh. Nhưng bác sĩ thì lại nói ngược lại, phải ăn uống tẩm bổ thì mới có sức để hóa trị. Chúng tôi đã nghe theo lời bác sĩ. Chồng tôi đã đi tìm mua gà ác, bồ câu về hầm, chưng yến cho bố ăn nên suốt 6 đợt hóa trị, bố tôi đáp ứng thuốc rất tốt. Sau khi hoàn thành liệu trình hóa trị, bác sĩ chúc mừng vì kết quả khá tốt và bố tôi có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Bố tôi có 6 tuần để nghỉ ngơi, ăn uống để đủ sức khỏe lên bàn mổ. Trong thời gian này rất may có em gái tôi đưa bố đi du lịch, trải nghiệm những thứ chưa từng. Nhìn bố tôi vui, lòng tôi cũng rất hạnh phúc. Bố tôi rất sẵn sàng cho ca phẫu thuật, bố tăng 3kg trong vòng tháng rưỡi, ăn ngon, ngủ ngon. Tinh thần chiến đấu như anh bộ đội cụ Hồ. Bác sĩ phẫu thuật cho bố tôi là bác sĩ giỏi nhất khoa, ca mổ thành công hơn cả mong đợi và bố tôi hồi phục nhanh hơn đợt mổ trước.
Sau khi ra viện, hàng ngày bố tôi ra vườn nhặt cỏ, tỉa cây, mấy người bên xóm tôi bảo ông bị ung thư thì ở trong nhà nghỉ ngơi đi chứ làm gì? Nhưng bố tôi bảo rằng làm thế thấy khỏe người hơn, ăn ngon hơn. Chiều chiều bố đi chơi cờ. Tôi hiểu rằng bố tôi muốn luôn hoạt động để không có thời gian để buồn, để mà suy nghĩ đến bệnh tật. Bố tôi đã chiến thắng nỗi sợ hãi tử thần, bố tôi có niềm tin vào chính bản thân mình.
Tôi có một ông bố thật vĩ đại. Tôi biết trân quý cuộc sống này nhiều hơn. Tôi biết sức khỏe là quan trọng nhất. Chúng tôi chưa bao giờ nói "Con yêu bố!" nhưng sự lo lắng, chăm sóc cho bố thì tất thảy anh chị em tôi là những đứa con hiếu thảo. Tính đến nay đã 8 tháng sau khi mổ ung thư dạ dày, bố tôi hiện đang khỏe mạnh, yêu đời, trông cháu, dạy cháu học bảng cửu chương, làm toán… Và bố tôi còn làm cả thơ nữa.
Sau hành trình chiến đấu với ung thư của bố tôi, tôi rút ra được rằng: bệnh nặng hay nhẹ quan trọng ở tinh thần, hãy lạc quan, tin vào chính mình, tin vào y học phát triển hiện đại, tin vào đội ngũ y bác sĩ - những người luôn muốn cứu mạng bệnh nhân.
Các bạn đang phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư thương mến! Các bạn hãy như bố tôi nhé. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, bình an! Xin được gửi năng lượng yêu thương này đến các bạn.