Hai ca ngộ độc botulinum rời Bệnh viện Chợ Rẫy, viện phí hơn 300 triệu đồng
(Dân trí) - Hai anh em ruột ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa đã rời Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM để chuyển về tuyến tỉnh, sau hơn 3 tuần điều trị tích cực.
Ngày 9/6, TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, sau một thời gian được chăm sóc tích cực tại đây, 2 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum ở TP Thủ Đức đã được hỗ trợ chuyển về Bệnh viện đa khoa Hậu Giang để tiếp tục trị liệu.
Theo đó, 2 bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đã bắt đầu bước vào giai đoạn nuôi dưỡng nâng cao thể trạng và tập vận động thành bụng. Thời điểm rời Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được.
Trong đó, người anh thực hiện được một số y lệnh đơn giản, nhưng khả năng tự thở vẫn hạn chế. Đây là bệnh nhân có sức cơ khá hơn khi nhập viện nhưng diễn tiến xấu dần, sức cơ yếu, cơ hô hấp yếu.
Còn người em vào viện với tình trạng nặng hơn, đến nay đã gọi biết, có thể gật đầu nhưng chưa thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản. Vì 2 bệnh nhân vẫn đang thở máy kéo dài, quá trình hồi phục và tập luyện có thể từ 2 tháng trở lên.
"Hiện nay, sinh hiệu hai bệnh nhân đều ổn định. Nhằm dự phòng các nguy cơ lây nhiễm cũng như thuận tiện cho việc chăm sóc của gia đình, 2 bệnh nhân đã được chuyển về bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị" - bác sĩ Ngân nói.
Theo thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh của 2 bệnh nhân, đơn vị đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho họ 130 triệu đồng.
Với tổng kinh phí điều trị hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ phần được bảo hiểm, số tiền ủng hộ đã được sử dụng để chi trả các khoản còn lại, giúp 2 bệnh nhân không phải chịu gánh nặng viện phí.
Từ ngày 13/5, TPHCM ghi nhận 6 người (đều ngụ TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 5 trường hợp đã ăn bánh mì kèm với một loại chả lụa bán dạo, người còn lại là một nam bệnh nhân 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày.
Đến tối 24/5, người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải BAT (8.000 USD/lọ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Hai anh em ruột nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không được dùng thuốc giải, do quá thời gian chỉ định.
Trong số 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum, đã có bé N.V.H. (14 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) hồi phục hoàn toàn và được xuất viện về nhà từ ngày 26/5, sau hơn một tuần điều trị.