Hà Nội: Nằm ghép vì tăng mạnh bệnh nhân sốt xuất huyết

(Dân trí) - Trong 3 tuần trở lại đây, các bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đều phải nằm ghép 2-3 người/giường dù khoa này đã tăng cường thêm 14 giường bệnh.

Nam thanh niên cũng “đổ gục” vì một vế muỗi đốt

Sáng 11/9, tại khoa Vi rút - Kí sinh trùng, số giường bệnh và 14 giường tăng cường ngoài hành lang kín 100%. Các bệnh nhân phải nằm ghép 2 - 3 người/giường.

Bệnh nhân điều trị SXH tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân điều trị SXH tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: H.Hải

Giải thích tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa vi rút- Ký sinh trùng, cho biết, khoa đã dành 80% số giường bệnh trong để điều trị bệnh nhân SXH nhưng không thể tránh khỏi tình trạng nằm ghép 2-3 người bệnh một giường. Bởi mỗi ngày có 10-20 bệnh nhân nặng phải nhập viện theo dõi trong khi số bệnh nhân cũ chưa kịp ra.

Theo BS Thư, hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực “nóng” của dịch SXH của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng. Các ca mắc SXH chủ yếu là người lớn ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó bệnh nhân là thanh niên, nam giới rất nhiều.

Anh L.V.T (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đã nằm viện ngày thứ 2 vì SXH. Anh V cho biết, bình thường anh khỏe như vâm, chẳng bao giờ ốm đau nên lần này, bỗng dưng lên cơn sốt đùng đùng 39 - 40 độ, anh tự uống thuốc ở nhà. Chịu được đến ngày thứ 3, anh V vẫn liên tục sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không dứt, người cứ mệt lử đi rồi xuất hiện thêm triệu chứng ăn vào là nôn nên gia đình đưa bệnh nhân đến viện khám.

“Tưởng sốt chơi chơi thôi không ngờ vào viện bác sĩ nói SXH, bắt đầu có hiện tượng giảm tiểu cầu và giữ lại theo dõi luôn. Muốn chối không nằm viện cũng không được vì liên tục sốt, người mệt lả nên phải nghe lời bác sĩ. Không ngờ voi còi như mình mà có lúc gục vì một vết muỗi đốt”, anh V nói.

Sẽ thêm nhiều ca mắc mới

Theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, số ca mắc SXH đến viện khám đang tăng lên từng ngày. Trong tháng 7 chỉ có 93 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8 con số này đã tăng 188 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay mới được 10 ngày đã là 130 ca nhập viện.

Về diễn biến dịch trong cả nước và tại Hà Nội, Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn của dịch nên số ca mắc chắc chắn sẽ tăng lên.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, từ đầu năm đến nay dịch SXH đã xuất hiện ở 50 địa phương trên cả nước với gần 30.000 ca mắc (gần bằng số mắc của cả năm 2014) với 18 trường hợp tử vong, trong đó có một số trường hợp do đến viện muộn. 

Theo TS Phu, dịch bệnh năm nay có diễn biến bất thường, dịch ở miền nam kéo dài hơn, còn ở miền Bắc thì đến sớm hơn; thời tiết thay đổi; chu kỳ dịch thay đổi khó dự báo nguy cơ, đô thị hóa... Số mắc tuy tăng khi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2009-2013. Trong số 18 trường hợp sốt xuất huyết tử vong, có nhiều người do đến cơ sở y tế muộn.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, cho biết, trong số bệnh nhân nhập viện điều trị SXH, quá nửa bệnh nhân đến viện muộn do người bệnh chủ quan, không hề nghĩ mình bị SXH. Nhiều bệnh nhân đang điều trị chia sẻ, khi đột ngột sốt cao, hầu hết trong số họ đều nghĩ đơn giản là sốt vi-rút. Đến khi nổi ban trên da, người mệt lử, ăn vào thì nôn, đau khớp, đau bụng... mới đến viện.

“Thực tế điều trị cho thấy, nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, chỉ ở mức 10-11 nghìn, thậm chí có bệnh nhân chỉ còn 6 - 8 nghìn tiểu cầu. Tình trạng giảm tiểu cầu quá mức này rất nguy hiểm, bệnh nhân dễ bị chảy máu, xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Những bệnh nhân SXH có tiểu cầu dưới ngưỡng 50 nghìn thì người bệnh sẽ phải nhập viện theo dõi điều trị, sẵn sàng truyền tiểu cầu nếu có xuất huyết”, BS Kính nói.

Bệnh viện đã dự đoán năm nay sẽ là cao điểm của dịch SXH do tính chất chu kì của dịch này nên đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị y tế, giường bệnh và liên hệ với viện Huyết học Trung ương để tiếp nhận các đơn vị máu, điều trị cho bệnh nhân xuất huyết, giảm tiểu cầu, cô đặc máu.

Và để giải quyết tình trạng quá tải, BV đã chỉ đạo phải khám sàng lọc rất kỹ mới cho nhập viện. Với những bệnh nhân nghi SXH, những ngày đầu sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi tại nhà, hạ sốt, ăn đồ ăn loãng, uống nhiều nước, tránh vận động nặng và đi tái khám theo hẹn của bác sĩ. Việc theo dõi theo lịch hẹn nhằm mục đích kiểm tra, xét nghiệm máu xem lượng tiểu cầu hạ đến mức nào để kịp thời chỉ định nhập viện.

Thường ở ngày thứ 3 của sốt, người bệnh đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Nếu tới bệnh viện khám, thầy thuốc có kinh nghiệm có thể thấy da của bệnh nhân xung huyết nặng nề hơn người bình thường bằng cách ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua thao tác thăm khám đo huyết áp.

Một số người có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Tiến sĩ Phu khuyến cáo ở thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này này để đi khám, được bác sĩ hướng dẫn theo dõi.

Hồng Hải