Hà Nội ghi nhận 85 ca tay chân miệng/tuần, lo ngại "dịch chồng dịch"

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo thống kê, giai đoạn cuối tháng 5, số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng mạnh so với thời gian trước đó.

Covid-19 vừa "hạ nhiệt" thì bệnh tay chân miệng lại "hoành hành" trên cả nước. Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã có hơn 5.500 trẻ mắc tay chân miệng. Dịch đang có xu hướng gia tăng chủ yếu tại khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh thành.

Covid-19 vừa hạ nhiệt, lô ngại sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng mạnh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong một tuần (từ 14/5 đến 20/5), trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 85 ca mắc tay chân miệng, tăng 48 ca so với tuần trước đó. Số ca bệnh cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 20/5 là 173 ca.

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định: "Tình hình bệnh tay chân miệng ở Hà Nội có tăng nhưng không có nguy cơ. Thành phố cũng chưa ghi nhận trường hợp nặng và tử vong".

Hà Nội ghi nhận 85 ca tay chân miệng/tuần, lo ngại dịch chồng dịch - 1

Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Theo báo cáo, 85 ca tay chân miệng (14/5 đến 20/5) được ghi nhận tại 15 quận, huyện trên địa bàn, bao gồm: Đông Anh, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông, Đan Phương, Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Ba Đình, Hoài Đức.

Bên cạnh tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Cụ thể, vào đầu tháng 5/2022, trên địa bàn thành phố trung bình chỉ ghi nhận từ 2 đến 5 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì đến cuối tháng số ca mắc đã tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần. Riêng tuần từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, CDC Hà Nội đã phối hợp với các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Đồng thời, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người dân chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thường xuyên vệ sinh cá nhân; vệ sinh môi trường như diệt bọ gậy/loăng quăng, diệt muỗi trưởng thành, nhất là tại các khu công trường xây dựng, nhà trọ; vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Tay chân miệng "hoành hành", phụ huynh không được bỏ qua dấu hiệu này

Hà Nội ghi nhận 85 ca tay chân miệng/tuần, lo ngại dịch chồng dịch - 2

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ gặp biến chứng nặng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà tùy cơ địa.

Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần cảnh giác cao, theo dõi biểu hiện lâm sàng để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bé có triệu chứng sốt, khó chịu, bỏ ăn thì có thể là tay chân miệng, phải đi khám để xác định. Nếu điều trị ngoại trú cần chú ý các triệu chứng dễ chuyển độ nặng hơn như: sốt khó hạ, nôn ói nhiều, trẻ ngủ có giật mình điển hình, yếu chi hoặc thở khò khè, có thể là thở rít hoặc thở nhanh. Các bậc phụ huynh phải cho các bé đến bệnh viện thăm khám để được điều trị kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm