Vì sao ca sốt xuất huyết nặng ở TPHCM tăng 354% so với năm 2021?
(Dân trí) - Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng khuyến cáo phụ huynh, khi con sốt cao liên tục 2-3 ngày nhưng test Covid-19 âm tính, cần đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra vì có thể trẻ đã mắc sốt xuất huyết nặng.
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành văn bản khẩn, đề nghị các sở, ban ngành tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) trong mùa mưa.
Theo đó, thống kê trong 4 tháng đầu năm 2022 của Sở Y tế TPHCM cho thấy, địa phương có gần 4.500 trường hợp SXH, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có đến 109 trường hợp SXH nặng, tăng 354% so với cùng kỳ năm 2021 (chỉ 24 ca). Các quận, huyện có số trường hợp mắc tăng nhanh trong tháng 4 bao gồm quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Sốt xuất huyết: Tăng cả về số ca mắc lẫn ca nặng
Ghi nhận của PV Dân trí tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi trên địa bàn TPHCM, tình hình bệnh nhân SXH và tay chân miệng đều tăng cao trong 1 tháng trở lại đây.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những ngày gần đây trung bình khoa tiếp nhận mỗi ngày khoảng 40 ca SXH, trong đó có 10% là trường hợp nặng, đang được truyền dịch, hỗ trợ hô hấp, điều trị và theo dõi tích cực. Từ đầu mùa dịch đến nay, đã có 3 bệnh nhi SXH tử vong tại khoa vì nhập viện quá trễ, trong đó có 2 trường hợp chuyển đến từ tuyến tỉnh.
Theo TS Tuấn, lượng bệnh nhân SXH năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, bởi người lớn và trẻ em đã được đi làm, đi học, tập trung đông người, tiếp xúc trở lại sau đại dịch Covid-19. Năm nay, dịch SXH cũng diễn biến phức tạp đúng với chu kỳ 3-4 năm/lần. Dự kiến, số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới.
Bác sĩ lưu ý, muỗi gây bệnh SXH sẽ chích vào đầu giờ chiều hoặc lúc chạng vạng tối, không phải chích vào ban đêm như nhiều người lầm tưởng. Đây là lúc mà trẻ nhỏ, người lớn còn sinh hoạt tại công sở, trường học, nên dễ gây nguy cơ nhiễm SXH.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình có 55-60 trường hợp SXH nhập viện/ngày, chiếm khoảng 50% công suất giường bệnh của khoa và gấp đôi trung bình của các tháng trước đó. Bệnh nhân SXH tăng cả về số lượng mắc lẫn số bệnh nhân nặng. Nhóm bệnh nhân nặng rơi vào trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên và có thể trạng thừa cân, béo phì.
Bác sĩ Qui nhận định, năm ngoài khi thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, người dân phải ở nhà nên lau chùi, quét dọn, vệ sinh nơi ở kỹ nên góp phần phòng chống SXH.
Năm nay, khi TPHCM đã bước vào mùa mưa, nước đọng nhiều, cùng với việc mở cửa bình thường trở sau đại dịch, kéo theo việc tiếp xúc nhiều, gia tăng nguy cơ lây lan bệnh. Thêm vào đó, việc người dân ngại đi khám bệnh sau đợt dịch Covid-19 cũng khiến nhiều trường hợp nhập viện trễ, SXH đã ở giai đoạn biến chứng nặng.
Sốt cao nhưng test Covid-19 âm tính: Coi chừng!
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng, số ca SXH nặng năm nay tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội) là bình thường. Theo chuyên gia, sau thời gian dài ngắt quãng các biện pháp phòng chống SXH, năm nay dịch bệnh này có thể gây những ảnh hưởng nặng nề khi bùng phát trở lại.
ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, SXH là bệnh lây truyền qua muỗi vằn (muỗi Aedes).
Khí hậu miền Nam nóng ẩm, mưa nhiều, phù hợp với việc phát triển quanh năm của muỗi. Cộng thêm dụng cụ chứa nước nguy cơ trong cộng đồng đa dạng gây khó khăn cho việc kiểm soát sự phát triển của quần thể muỗi truyền bệnh.
Mặt khác, các bệnh viện ở khu vực phía Nam, trong đó có TPHCM đã ghi nhận nhiều trường hợp SXH đến bệnh viện rất trễ, trong tình trạng rất nặng.
"Một trong những yếu tố để giảm tử vong do SXH Dengue là bệnh nhân cần đến viện sớm để được theo dõi, ngăn ngừa chuyển nặng, cũng như phát hiện chuyển nặng sớm để can thiệp kịp thời" - ThS.BS Lương Chấn Quang, lý giải nguyên nhân gây gia tăng ca nặng và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui dẫn chứng thêm, có những trường hợp khi trẻ sốt cao liên tục 2-3 ngày, phụ huynh tự test Covid-19 cho kết quả âm tính lại tiếp tục cho trẻ ở nhà mà không đưa đi kiểm tra. Phụ huynh quên mất ngoài Covid-19 vẫn còn những dịch bệnh khác, như SXH, tay chân miệng đều có triệu chứng sốt cao.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh khi con sốt cao kéo dài và đã loại trừ Covid-19, cần đưa đến bệnh viện để kiểm tra, xét nghiệm máu xem có nhiễm SXH (hoặc tay chân miệng) hay không để có kế hoạch can thiệp kịp thời.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 18 của năm 2022 (từ ngày 29/4 đến ngày 5/5), TPHCM ghi nhận 680 ca bệnh SXH, tăng hơn 45% so với trung bình 4 tuần trước (467 ca), trong đó có thêm 1 ca SXH tử vong tại huyện Củ Chi.
Toàn TPHCM ghi nhận thêm 53 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 28 phường, xã thuộc 6/22 quận huyện và TP Thủ Đức, tăng 27 ổ dịch mới so với tuần trước đó. Đến tuần 18, địa phương đã có 269 ổ dịch SXH.
Vì sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên để phòng bệnh, đại diện Viện Pasteur TPHCM lưu ý mỗi người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt cao kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, hoặc nặng hơn với triệu chứng vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều…
Ngoài ra, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa, thu dọn, lật úp các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà…