Bệnh tay chân miệng hoành hành, số ca chuyển nặng tăng
(Dân trí) - Tại Quảng Ngãi, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng nhanh. Trong số này có đến 1/3 ca bệnh có biến chứng nặng.
Tính từ đầu năm 2022, ngành y tế Quảng Ngãi ghi nhận gần 400 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. Riêng từ đầu tháng 5 đến nay số trẻ mắc bệnh, cũng như chuyển biến nặng tăng đột biến.
Khoảng 10 ngày qua, mỗi ngày bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến khám bệnh liên quan đến tay chân miệng, nhiều trường hợp phải điều trị nội trú. Điều đáng lo là trong số những ca nhập viện có gần 30% trường hợp diễn tiến nặng.
Số ca bệnh điều trị nội trú do tay chân miệng tăng nhanh gây áp lực cho công tác điều trị. Có thời điểm, bệnh viện bị quá tải, bệnh nhi phải nằm chung giường.
Theo Bác sĩ Phạm Thành Quát - Khoa Bệnh nhiệt đới, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám có biểu hiện sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, có một số trường hợp gặp biến chứng, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4 vì phụ huynh chủ quan hoặc lầm tưởng với các bệnh về đường hô hấp khi thời tiết thay đổi.
"Khi bé có triệu chứng sốt, khó chịu, bỏ ăn thì có thể là tay chân miệng, phải đi khám để xác định. Nếu điều trị ngoại trú cần chú ý các triệu chứng dễ chuyển độ nặng hơn như sốt khó hạ, nôn ói nhiều, trẻ ngủ có giật mình điển hình, yếu chi hoặc thở khò khè, có thể là thở rít hoặc thở nhanh. Các bậc phụ huynh phải cho các bé đến bệnh viện thăm khám để được điều trị kịp thời", Bác sĩ Quát khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ gặp biến chứng nặng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà tùy cơ địa.
Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần cảnh giác cao, theo dõi biểu hiện lâm sàng để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị.