Hà Nội: Chó cắn liên tiếp 3 người, phát hiện ổ bệnh dại tại Sóc Sơn

Nam Phương

(Dân trí) - Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa ghi nhận một ổ bệnh dại trên chó. Một con chó dại nặng khoảng 15kg đã cắn liên tiếp 3 người, trong đó có một khách tham quan.

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa tiến hành giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch dại tại 2 xã Hiền Ninh và Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, tại địa phương ghi nhận một ổ dịch dại trên chó liên quan 2 thôn của 2 xã trên. Động vật mắc dại là một con chó chưa rõ nguồn gốc, giống chó ta nặng khoảng 15kg.

Từ khoảng 9h30 đến 11h ngày 25/7, con chó đã xuất hiện tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Tại đây, con chó dại đã cắn, tiếp xúc với 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn một người.

Từ khoảng 11h đến 12h cùng ngày, con chó dại di chuyển sang Việt Phủ Thành Chương, thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh và cắn 2 người (khách tham quan và bảo vệ).

Nhân viên tại Việt Phủ Thành Chương đã đập chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó dương tính với virus dại.

Hà Nội: Chó cắn liên tiếp 3 người, phát hiện ổ bệnh dại tại Sóc Sơn - 1

Bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè (Ảnh minh họa: CDC).

Đến ngày 29/7, địa phương đã có 3 người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.

Trước tình hình đó, UBND huyện Sóc Sơn họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã thông báo tình hình dịch và thông báo đến người dân trên địa bàn.

Chính quyền yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiêu hủy con chó dại và 13 con chó, mèo tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú tiếp xúc với con chó dại.

Đoàn công tác của CDC Hà Nội đề nghị trạm y tế xã Minh Phú và Hiền Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan để theo dõi sát tình hình ổ dịch dại trên động vật tại địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đồng thời, các đơn vị cũng cần giám sát, nhắc nhở người phơi nhiễm đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh và nhiều ca tử vong là Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh…

Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, đối với vết thương nhỏ, chúng ta cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Đối với vết thương lớn và phức tạp, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra.